Gia Lai: Ngăn chặn khai thác cát trái phép lòng hồ Ia Ly
Tình hình khai thác cát trái phép trên lòng hồ Ia ly, đoạn giáp ranh giữa huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) và huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) trở nên “nóng” thời gian qua.
UBND tỉnh Gia Lai đề nghị tỉnh Kon Tum phối hợp xử lý "cát tặc" lộng hành trên lòng hồ Ia Ly |
Theo thông tin của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi UBND tỉnh Kon Tum, Công an tỉnh Kon Tum đề nghị phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý khai thác khoáng sản trái phép khu vực lòng hồ Ia Ly, đoạn giáp ranh của 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, thời gian qua khu vực lòng hồ giáp ranh 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum có một số tàu neo đậu, một số vụ việc khai thác trái phép xảy ra đã được cơ quan chức năng của 2 tỉnh kịp thời phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo người dân phản ánh, thì tình hình khai thác khoáng sản trái phép khu vực này đang trở nên phức tạp; công tác quản lý tàu, thuyền neo đậu, việc theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý khai thác trái phép khu vực lòng hồ giáp ranh gặp khó khăn.
Nhằm thực hiện Quy chế phối hợp 721/QCPH-UBND ngày 28/7/2017 của UBND tỉnh Gia Lai và UBND tỉnh Kon Tum trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị tỉnh Kon Tum phối hợp, chỉ đạo cơ quan chức năng và cử đơn vị phối hợp với Công an tỉnh Gia Lai thành lập tổ công tác hoặc xây dựng phương án đấu tranh, phòng chống khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực lòng hồ giáp ranh.
Cùng với đó, UBND tỉnh Gia Lai giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh Kon Tum và các sở, ngành, địa phương có liên quan của tỉnh thành lập tổ công tác hoặc có phương án thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống khai thác khoáng sản trái phép khu vực lòng hồ giáp ranh; chủ động báo cáo và tham mưu UBND tỉnh kịp thời xử lý các nội dung vượt thẩm quyền.
Trước đó, theo người dân phản ánh, tại khu vực lòng hồ Ia Ly, đoạn giáp ranh giữa huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) và huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) xuất hiện nhiều tàu có công suất lớn ngang nhiên khai thác cát trái phép tại địa phận tỉnh Kon Tum.
Sau khi các tàu “ăn no” cát, những chiếc tàu này lại quay về tập kết cát tại địa phận tỉnh Gia Lai và bắt đầu chở đi tiêu thụ. Mặc dù việc khai thác cát diễn ra công khai cả ngày lẫn đêm nhưng lại không thấy bóng dáng của chính quyền địa phương phát hiện, xử lý.