A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GDP Nga suy giảm 3 tháng liên tiếp

Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga ngày 3/11 cho biết GDP của nước này trong tháng 9 giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 4% vào tháng 8 và giảm 4,3% trong tháng 7.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Liên bang Nga - Rosstat, GDP của Nga trong quý đầu năm nay đạt 34.600 tỷ ruble (558 tỷ USD), giảm 19,2% so với quý IV/2021 nhưng tăng 3,5% so cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, GDP của nước này trong quý II và III lại không tích cực như vậy khi giảm lần lượt 4% và 4,4%.

Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Liên bang Nga Alexei Kudrin hồi giữa tháng 7 từng cảnh báo Nga đang phải đối mặt với mức giảm GDP lớn nhất kể từ năm 1994 cho tới nay.

Theo Reuters, chiến dịch quân sự ở Ukraine kéo theo các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây đã đẩy kinh tế Nga rơi vào suy thoái. Việc các chuỗi cung ứng của nước Nga bị suy yếu, cùng với sự “tháo chạy” hàng loạt của khoảng 1.000 công ty nước ngoài đã đe dọa sự tăng trưởng của kinh tế Nga.

Báo cáo của Rosstat cho thấy tỷ lệ lạm phát của Nga trong tháng 9 là 12,9% do đồng ruble biến động khiến giá cả tăng vọt. Tuy nhiên con số này đã giảm so với tháng 8 (14,3%) sau khi Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi suất để kiềm chế giá cả.

Theo báo cáo do Bộ Phát triển Kinh tế Nga công bố mới đây, kinh tế Nga được dự báo suy giảm 2,9% trong năm 2022 và 0,9% trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với các dự báo được đưa ra hồi tháng 8, lần lượt là 4,2% và 2,7%.

Mặc dù GDP của Nga sụt giảm trong 2 quý liên tiếp nhưng nền kinh tế của nước này đã chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh hơn so với dự kiến ​​ban đầu của một số nhà kinh tế, một phần nhờ doanh thu năng lượng khi giá cả toàn cầu tăng.

Song, các nhà phân tích cho rằng thiệt hại kinh tế đối với Nga sẽ ngày càng nặng nề hơn khi các nước phương Tây hạn chế nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Moscow.

Dù vậy, bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có và nhiều công ty nước ngoài rời khỏi Nga, Phó thủ tướng Nga Andrei Belousov khẳng định Chính phủ không thấy dấu hiệu nào cho thấy tình hình thị trường lao động đang xấu đi.

Ngược lại, theo nhà lãnh đạo Nga, thị trường lao động mạnh mẽ đã giúp nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng suy thoái do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Xem thêm >> Việt Nam nói gì trước nguy cơ bị ảnh hưởng từ Thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen?


Tác giả: Thanh Tú
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan