Gần 18.000 dự án đã xong nhưng chưa báo cáo quyết toán
Theo Bộ Tài chính, cả nước còn gần 18.000 dự án chưa nộp báo cáo quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2023. Việc nhiều dự án hoàn thành nhưng chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ quyết toán làm ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm.
Bộ Tài chính vừa ban hành công văn công khai tình hình quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2023. Năm 2023, cả nước có 72.468 dự án đã hoàn thành cần thực hiện thủ tục quyết toán theo quy định. Bên cạnh đó, còn gần 18.000 dự án chưa nộp báo cáo quyết toán (chiếm tỷ lệ 24,8%).
Công tác thẩm tra đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán là 2.179,07 tỷ đồng/354.898,30 tỷ đồng giá trị đề nghị quyết toán, chiếm tỷ lệ 0,61%.
Về chất lượng báo cáo , bộ này đánh giá vẫn còn một số tồn tại như: sai mẫu biểu, sai đơn vị tính, sai số học; thiếu các đánh giá, nhận xét về nguyên nhân chậm, muộn; những thuận lợi, khó khăn và đề xuất kiến nghị trong công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành cũng như công tác tổng hợp báo cáo của đơn vị.
Bộ Tài chính chỉ ra, còn nhiều đơn vị có tỷ lệ dự án vi phạm thời gian thẩm tra, phê duyệt, cao hơn tỷ lệ vi phạm bình quân của cả nước là 19%, chủ yếu là các dự án do cấp huyện, cấp xã quản lý như: Văn phòng TW Đảng, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng , Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hải Dương, Ninh Bình, Đắk Nông... Đây là trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán.
Ngoài ra, đến thời điểm tổng hợp và gửi công văn vào đầu tháng 5/2024, Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo của 3 cơ quan: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam.
Một số đơn vị có dự án vi phạm thời gian quyết toán cao hơn tỷ lệ vi phạm bình quân của cả nước là 33% như: Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại giao, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình... Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư.
Những đơn vị có vốn còn lại phải bố trí đến thời điểm báo cáo lớn như Bộ Giao thông vận tải (2.861 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 2.861 tỷ đồng); Phú Thọ (781 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 16,95 tỷ đồng), Bắc Giang (342,05 tỷ đồng, trong đó Bắc Giang (342,05 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương12,36 tỷ đồng), Điện Biên (807 tỷ đồng), Hà Nội (2.325,1 tỷ đồng), Hải Phòng (1.267 tỷ đồng), Quảng Ninh (2.570 tỷ đồng).
Xét về giá trị, có 45.668 dự án đã được phê duyệt quyết toán năm 2023 với tổng mức đầu tư trên 438.683 tỷ đồng; tổng giá trị đề nghị phê duyệt quyết toán trên 354.898 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 80,9% tổng mức đầu tư. Tổng giá trị được phê duyệt quyết toán trên 352.719 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 80,4% tổng mức đầu tư.
Việc nhiều dự án hoàn thành nhưng chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để quyết toán làm ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công . Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm .
Từ tình hình tổng hợp kết quả công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2023 và để đảm bảo công tác quyết toán được thực hiện theo đúng quy định, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm các quy định trong công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành trong việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán đúng thời hạn quy định; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân không thực hiện đúng quy định về thời gian quyết toán (chậm lập, chậm nộp báo cáo quyết toán và chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán).
Bộ Tài chính cũng đề nghị kiên quyết áp dụng các chế tài xử lý theo quy định như: công khai danh sách chủ đầu tư vi phạm thời gian nộp quyết toán…
Các đơn vị cần chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương lập hồ sơ quyết toán 5.947 dự án hoàn thành chậm lập hồ sơ báo cáo quyết toán và cơ quan thẩm tra, phê duyệt khẩn trương thẩm tra, phê duyệt 2.009 dự án vi phạm thời gian thẩm tra, phê duyệt.