A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EU tuyên bố ‘cai nghiện’ hoàn toàn khí đốt Nga, tăng cường nhập khẩu LNG từ Mỹ

Cao ủy phụ trách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson mới đây khẳng định rằng EU đã thay thế hoàn toàn khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí đốt từ các nhà cung cấp khác đáng tin cậy.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu ngày 23/11, bà Simon cho hay: “Việc đa dạng hóa nguồn cung, giảm nhu cầu, chính sách lưu trữ chung và kế hoạch #Repower của EU đang tạo ra sự khác biệt”.

REPowerEU là kế hoạch do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vào trung tuần tháng 5 vừa qua, xoay quanh 3 trụ cột chính là tiết kiệm năng lượng, triển khai các giải pháp carbon thấp và đa dạng hóa nguồn cung khí đốt.

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời các chuyên gia cho biết EU đã tăng cường mua LNG từ Mỹ để thay thế khí đốt của Nga.

Theo Ủy ban châu Âu, từ tháng 1 đến tháng 8, tổng lượng khí đốt EU nhập khẩu từ Nga, bao gồm LNG, đã giảm 39 tỷ m3. Trong cùng giai đoạn, lượng nhập khẩu LNG từ Mỹ đã tăng gần 80% so với mức hàng năm.

Trong năm 2021, 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU đến từ Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Moscow đã cung cấp 155 tỷ m3 khí đốt cho liên minh này trong năm 2021. Tuy nhiên, trong năm nay, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga dự kiến sẽ giảm hơn 1/3 con số đó, còn khoảng 60 tỷ m3.

Các nhà phân tích từ Công ty nghiên cứu Kpler mới dây cảnh báo việc thay thế nguồn cung khí đốt Nga bằng LNG sẽ khiến chi phí năng lượng gia tăng đáng kể với EU. Không giống khí đốt vận chuyển qua đường ống thường được cung cấp theo hợp đồng dài hạn, LNG thường được giao dịch trên thị trường giao ngay và chi phí thường cao hơn nhiều lần.

Bên cạnh đó, việc EU tăng cường mua LNG cũng gây khó khăn cho các nước đang phát triển vì họ buộc phải cạnh tranh về giá cả với những quốc gia giàu có hơn.

Ở động thái liên quan, EU mới đây đã đưa ra đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro (khoảng 283 USD)/MWh. Đây được xem là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng cao, kiểm soát nhu cầu hướng tới đảm bảo cung cấp đủ khí đốt cho châu Âu.

Việc áp giá trần khí đốt của EU là nhắm vào toàn bộ khí đốt mà châu Âu nhập khẩu chứ không phải chỉ đối với khí đốt của Nga.

Giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã giảm trong thời gian gần đây do châu lục này đã gần lấp đầy các kho dự trữ khí đốt và nhiệt độ gần đây ấm hơn bình thường.

Xem thêm >> Mỹ đe dọa trừng phạt các công ty không áp trần giá dầu Nga


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan