Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Còn thiếu chế tài quản lý sau đấu thầu
Không chỉ cứng nhắc trong quy định chuyển nhượng thầu, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), theo các chuyên gia, Dự thảo còn thiếu chế tài quy định quản lý sau đấu thầu…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), góp ý hoàn thiện mới đây, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn khi quy định về hành vi chuyển nhượng thầu còn cứng nhắc, dễ dẫn đến khó khăn cho các chủ thể trong quá trình thực hiện.
Ngoài nội dung đã nêu, Dự thảo Luật (sửa đổi) được cho cũng còn một số tồn tại như: việc “bổ sung vốn” cũng như “giao cho các nhà đầu tư đang thực hiện để thực hiện” trong các dự án PPP; cơ chế “giá thấp nhất thắng thầu”;… đặc biệt là vấn đề chế tài quản lý thực hiện sau kết quả đấu thầu.
Theo đó, góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, Điều 72 Dự thảo Luật liên quan tới bổ sung hồ sơ mời thầu trong các dự án PPP. Đây là câu chuyện từ phía ngân sách bổ sung khi tiến hành các dự án, nhưng không giao cho các nhà đầu tư đang thực hiện mà giao cho nhà đầu tư khác làm. Vì vậy, điểm C Điều 72 cần nêu được nội dung “bổ sung vốn” cũng như “giao cho các nhà đầu tư đang thực hiện để thực hiện”.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 - 6/2023).
Dẫn nội dung quy định đối với nhà thầu xây lắp, ông Chủng chia sẻ, từ hồi làm Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng, Bộ Xây dựng và cho tới nay, tôi rất dị ứng với nội dung quy định trong đấu thầu xây lắp, đó là giá thấp nhất thắng thầu. Bởi đã đồng nhất hàng hoá là sản phẩm xây lắp với hàng hoá thông thường.
Theo ông Chủng, hàng hoá thông thường như tivi, ô tô, thuốc… đều nhìn thấy, nhưng gói thầu xây lắp phải 3-10 năm sau mới nhìn thấy.
“Ở đâu có ép giá, ép tiến độ ở đó không có chất lượng đồng hành”, bởi, các công trình sinh ra theo cơ chế “giá thấp nhất thắng thầu” đều “suy dinh dưỡng”, lẽ ra 80 tuổi mới đổ bệnh thì các công trình này 30-40 đã đổ bệnh”, ông Chủng nhấn mạnh.
Do vậy, ông Chủng cho rằng, cần xem lại quy định “giá thấp nhất thắng thầu”.
>> Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Kỳ vọng sẽ khắc phục được những điểm chồng chéo
PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI)
Bên cạnh những nội dung đã nêu, dẫn Điều 79 nói đến trách nhiệm của bên giao thầu, theo ông Chủng, khi đấu thầu xong chúng ta rất hoan hỉ, nhưng việc thực hiện gói thầu sau đó không ai biết. Vì vậy, cần bổ sung trách nhiệm của người giao thầu là phải kiểm soát sau đấu thầu.
“Đấu thầu hồ sơ rất đẹp, nhưng ra hiện trường toàn “quần đen, đội nón, đi dép lê”, ai chịu trách nhiệm?”, ông Chủng bày tỏ.
Đồng tình với những góp ý của Chủ tịch VARSI, ông Dương Văn Cận - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhấn mạnh, vấn đề quản lý thực hiện sau kết quả đấu thầu không được pháp luật quy định. Hệ thống pháp luật về đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn Nhà nước theo quy định đang bị đứt đoạn giữa giai đoạn đấu thầu và giai đoạn thực hiện hợp đồng.
Luật Đấu thầu không có phần chế tài quy định quản lý thực hiện kết quả sau đấu thầu. Dự thảo ngày 05/4/2023 mới đưa thêm Điều 69 về nguyên tắc thực hiện hợp đồng – đưa ra 3 nguyên tắc còn rất sơ sài không có nội dung mang tính pháp lý. Những quy định pháp lý với chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn, nhà thầu thực hiện gói thầu là những chế tài cần được quy định trong nội dung của Điều này.
Cũng theo ông Cận, trong Dự thảo quy định nội dung công tác “Giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu” (Điều 89) cũng chỉ quy định công tác giám sát hồ sơ, đánh giá hồ sơ, quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu…
Những nội dung này không phải là các quy định liên quan đến công tác giám sát thực hợp đồng. Không có hướng dẫn, không có chế tài nên khi thực hiện nhà thầu có thể không đáp ứng được những cam kết trong hồ sơ dự thầu, kết quả là chậm tiến độ, chất lượng không đáp ứng,… Đây chính là tình trạng làm “hồ sơ đẹp” trong giai đoạn đấu thầu.
“Luật Đấu thầu cần có những điều quy định về quản lý thực hiện đấu thầu và các chế tài kiểm soát công tác sau đấu thầu để công tác đấu thầu thực sự có hiệu quả”, ông Cận kiến nghị.
Ngoài những nội dung đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tại Dự thảo Luật (sửa đổi) chưa tìm thấy nội dung “khích lệ ứng dụng khoa học công nghệ” để cổ vũ ứng dụng công nghệ trong các công trình xây dựng.