A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để mỗi bài báo đều thấm đẫm hơi thở cuộc sống

Là một trong số ít cơ quan báo chí có mặt sớm nhất tại Quảng Ninh từ đầu những năm 1990, Báo Lao Động luôn gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân, nhất là những công nhân, lao động, thợ mỏ của ngành Than.

Để mỗi bài báo đều thấm đẫm hơi thở cuộc sống

Một góc mỏ khai thác than lộ thiên của Công ty Cổ phần than Hà Tu. Ảnh: TTXVN

Chỉ cần gõ chữ liên quan đến công nhân, lao động ngành Than trên Báo Lao Động điện tử đã ra hàng vạn tin, bài được đăng tải liên tục trong nhiều năm qua.

Đó là còn chưa kể biết bao thông tin xuất hiện trên báo in của Báo Lao Động, mà một thời, khi báo mạng chưa bùng nổ, nhiều cán bộ, công nhân, lao động ngành Than hàng ngày vẫn chờ đón đọc báo Báo Lao Động.

Bởi đó là những tin, bài nóng hổi, đi đầu, thậm chí độc quyền với những góc nhìn đa chiều, những phát hiện mới.

Cho đến hôm nay, Báo Lao Động vẫn giữ được “phong độ” đó.

Nhân “Tháng Công nhân” 2025, phóng viên Báo Lao Động đã xuống cùng thợ lò của Công ty Cổ phần Than Núi Béo, đang làm việc ở độ sâu -350m. Một thợ lò cho biết, trước đây anh vẫn thường đọc báo giấy của Báo Lao Động nhưng sau này có báo Lao Động điện tử thì chuyển sang đọc trên điện thoại.

“Đó là tờ báo có bề dày truyền thống và luôn gắn bó mật thiết với người lao động” - anh chia sẻ.

Chúng tôi không nhớ mình đã bao nhiêu lần xuống các đường lò khai thác than sâu hun hút trong lòng đất cũng như các moong than khai thác lộ thiên kì vĩ, nhưng lần nào cũng háo hức và luôn tận dụng cơ hội để đi, kể cả đi lại những mỏ than đã từng xuống.

Mỗi tấn than đều thấm đẫm mồ hôi và không ít lần là cả máu của cán bộ, công nhân, lao động ngành Than, mà phóng viên Báo Lao Động nhiều lần có mặt trực tiếp, vừa để phản ánh vụ việc, vừa đại diện cho cơ quan hỏi thăm, trao tiền ủng hộ của Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng.

Nhìn những đường lò sâu thăm thẳm, dài hút hút hay nhưng moong than sâu hàng trăm mét với những chiếc xe “khủng” nhưng từ xa nhìn vào thì như những bao diêm đang bò từng mét mới thấy được trí tuệ, công sức của biết bao thế hệ công nhân mỏ.

Đó là những chất xúc tác không gì có thể tốt hơn để cho mỗi bài báo thấm đẫm hơn hơi thở cuộc sống.

Những năm qua, những bài viết của Báo Lao Động không chỉ động viên, chia sẻ với ngành Than, mà cũng góp một tiếng nói để cùng các bộ, ngành, cơ quan chức năng tháo gỡ cho ngành Than, nhất là trong việc phê duyệt các dự án bán đất, đá thải mỏ hay cấp giấy phép mỏ mới.

Theo ông Lê Thanh Xuân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, kể từ khi có Tổng Công ty Than Việt Nam rồi sau này là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Báo Lao Động luôn gắn bó mật thiết với công nhân, lao động, đặc biệt là những người trực tiếp làm việc trong hầm lò.

“Báo Lao Động hiểu và nắm rất sát điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần, phúc lợi của thợ mỏ. Nhờ vậy có những bài viết phản ánh kịp thời, trung thực, qua đó vừa động viên, chia sẻ cũng như đề xuất nhiều giải pháp để cùng chung tay chăm lo ngày một tốt hơn cho người lao động” - ông Xuân chia sẻ.

Người đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng, gắn kết Báo Lao Động với công nhân, lao động, nhất là đội ngũ thợ lò ở Quảng Ninh là nhà báo Ngô Mai Phong - nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại khu vực Đông Bắc Bộ.

Ông đã có mặt ở rất nhiều khai trường khai thác than lộ thiên hay trong những đường lò sâu thẳm, ngoằn nghèo dưới lòng đất; ở những sự kiện lớn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), hay những vụ tai nạn lao động ám ảnh, xót xa.

Ông luôn gắn bó mật thiết với công nhân, lao động và đặc biệt yêu quý những người thợ lò, để rồi có những bài viết lay động lòng người về những giờ lao động trong lòng đất, về cuộc sống đời thường, về niềm vui và nỗi buồn.

Ông viết như chính ông là người thợ lò, vì thế tên của ông trở nên quen thuộc với họ và rất nhiều thợ lò đã là bạn của ông.

Ca ngợi ngành Than đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để đem về “vàng” đen cho Tổ quốc, nhưng nhà báo Ngô Mai Phong cũng phanh phui những tiêu cực trong ngành Than, để góp một tiếng nói xây dựng ngành Than ngày một tốt đẹp hơn.

Trong đó nổi tiếng nhất là những loạt bài về khai thác, mua bán than trái phép, làm thất thoát tài nguyên của đất nước, để rồi sau đó, ông 2 lần liên tiếp được trao giải cao nhất của Giải Báo chí quốc gia, ở thể loại phóng sự điều tra.

Ông từng chia sẻ, có thể có nhiều người ghét mình vì những bài viết chống tiêu cực nhưng không ai dám coi thường mình khi mỗi bài báo đều thể hiển “bút sắc, lòng trong”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết