Các chủ nợ hối thúc Ukraina trả lại tiền
Các chủ nợ của Ukraina được cho là đã hết kiên nhẫn và đang hối thúc Kiev trả nợ.
Các trái chủ nước ngoài đã tạm dừng đòi nợ của Ukraina vào năm 2022, nhưng sự kiên nhẫn của họ được cho là đã hết - tờ Wall Street Journal đưa tin ngày 5.6.
Theo tờ Wall Street Journal, một nhóm trái chủ nước ngoài đã thực hiện các bước để buộc Ukraina bắt đầu trả nợ ngay trong năm tới. Nếu họ thành công, Ukraina có thể phải trả 500 triệu USD mỗi năm chỉ tính riêng tiền lãi.
Nhóm chủ nợ này - bao gồm các gã khổng lồ đầu tư Blackrock và Pimco - đã cho Kiev hoãn trả nợ hai năm vào năm 2022, đánh cược rằng cuộc xung đột với Nga lẽ ra đã kết thúc vào thời điểm này (năm 2024).
Do cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết, những người cho vay hiện đã thuê luật sư tại Weil Gotshal & Manges và các chủ ngân hàng từ PJT Partners để gặp các quan chức Ukraina và đạt được thỏa thuận - theo đó Ukraina sẽ tiếp tục trả lãi vào năm tới để đổi lấy việc được xóa một phần đáng kể trong khoản tiền nợ, các nguồn tin nói với Wall Street Journal.
Tờ báo cho hay, nhóm chủ nợ này nắm giữ khoảng 1/5 trong số 20 tỉ USD trái phiếu châu Âu đang lưu hành của Ukraina. Các chủ sở hữu trái phiếu nói rằng, mặc dù con số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số nợ nước ngoài 161,5 tỉ USD của Ukraina, nhưng việc trả lãi cho những trái phiếu này sẽ khiến Kiev phải thanh toán tới 500 triệu USD mỗi năm.
Nếu các trái chủ không đạt được thỏa thuận với Kiev vào tháng 8, Ukraina có thể vỡ nợ. Điều này sẽ làm tổn hại đến xếp hạng tín dụng của quốc gia và hạn chế khả năng vay nhiều tiền hơn trong tương lai.
Theo tờ báo, các quan chức Ukraina đang hy vọng rằng, Mỹ và các chính phủ phương Tây sẽ đứng về phía họ trong các cuộc đàm phán với các trái chủ. Tuy nhiên, một nhóm các quốc gia đã đề nghị cho Ukraina tạm hoãn nợ đối với khoản vay trị giá khoảng 4 tỉ USD cho đến năm 2027.
Ukraina đã dựa vào viện trợ nước ngoài để duy trì hoạt động của các cơ quan chính phủ và trả lương cho nhân viên nhà nước. Quân đội nước này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài trợ nước ngoài.
Tháng trước, Mỹ thông qua luật viện trợ nước ngoài, bao gồm 61 tỉ USD cho Ukraina. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp gần 14 tỉ USD cho Ukraina để mua vũ khí và 9 tỉ USD cho các “khoản vay có thể được miễn trừ” mới.
Theo Wall Street Journal, một số chủ sở hữu trái phiếu cho rằng Mỹ và EU có thể sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để trả nợ cho Ukraina. Trong khi khoảng 300 tỉ USD tài sản thuộc về ngân hàng trung ương Nga đã bị đóng băng tại các ngân hàng Mỹ và châu Âu kể từ năm 2022, thì Mỹ mới chỉ thông qua luật cho phép tịch thu số tiền phong tỏa tại các ngân hàng ở Mỹ vào tháng trước và không có cơ chế pháp lý tương tự nào tồn tại ở châu Âu, nơi phần lớn số tài sản này được nắm giữ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều kêu gọi các chính phủ không tịch thu số tiền bị phong tỏa của Nga. Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh báo vào tháng trước rằng làm như vậy sẽ có nguy cơ “phá vỡ trật tự quốc tế mà bạn muốn bảo vệ”.