Bị châu Âu ‘cấm cửa’, dầu Nga ồ ạt rẽ nhánh sang châu Á
Theo Bloomberg, Nga gần như đã không còn cung cấp dầu thô cho Liên minh châu Âu (EU) sau khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga bằng đường biển có hiệu lực từ ngày 5/12. Thay vào đó, gần 90% tổng lượng dầu thô rời các cảng của Nga đã đến châu Á trong tuần này.
Trước đó, ngày 5/12, lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga đến EU đã được thi hành song song với quyết định áp trần giá dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng.
Lệnh cấm này đã khiến EU gần như “đoạn tuyệt” với thị trường dầu mỏ gần nhất với mình. Theo Bloomberg, ngoại trừ một lượng nhỏ dầu vẫn được chuyển tới Bulgaria, các nguồn cung dầu của Nga tới khối này đều đã ngừng lại.
Thay vào đó, dầu thô Nga đã chuyển hướng sang châu Á trên một đội tàu đang chạy vòng quanh lục địa, qua kênh đào Suez để chuyển hàng tới Ấn Độ và Trung Quốc.
Dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg cho hay Nga đã vận chuyển hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày đến châu Á trong tuần tính tới ngày 9/12, chiếm gần 90% tổng lượng dầu thô được Nga vận chuyển bằng đường biển trong cùng giai đoạn.
Cũng theo Bloomberg, hơn một nửa số dầu thô được vận chuyển từ các cảng ở Baltic, Biển Đen và Bắc Cực vẫn đang trên đường đến kênh đào Suez để tới châu Á nhưng chưa có thông tin điểm đến. Bloomberg cũng chưa rõ liệu số dầu đó đã được bán hết hay đang trên đường đến khu vực này với hy vọng tìm được khách hàng mới.
Khối lượng dầu hướng đến Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, ba nước nổi lên như bên mua thay thế dầu của Nga, trong vòng 4 tuần kết thúc vào ngày 9/12/2022 ước tính trung bình khoảng 2,73 triệu thùng dầu/ngày, con số này cao gấp 4 lần khối lượng dầu vận chuyển trong vòng 4 tuần trước khi căng thẳng Nga – Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Theo ông Stanislav Mitrakhovich, chuyên gia hàng đầu tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia, việc Nga mở rộng đội tàu chở dầu thô lớn, mà báo chí Phương Tây gọi là "hạm đội bóng đêm", đã có tính toán cho tình huống xấu nhất.
Đội tàu này có thể chuyên chở khối lượng năng lượng ngày càng tăng cho các quốc gia không tham gia cái gọi là Liên minh giá trần và cho đến nay họ vẫn đang kinh doanh bình thường với hàng hóa của Nga.
Bên cạnh đó, Nga cũng đang củng cố công ty bảo hiểm hàng hải của riêng mình để tránh các biện pháp trừng phạt của EU một cách hiệu quả.
Trước đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak từng cảnh báo nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu để bù đắp những tác động tiêu cực từ việc áp giá trần của phương Tây. Theo đó, sản lượng dầu của Nga trong năm nay ước tính đạt 530 triệu tấn và sẽ giảm xuống 490 triệu tấn vào năm 2023.
Xem thêm >> ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 7,5% dù triển vọng toàn cầu xấu đi