A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ba Lan và Đức tuyên bố quốc hữu hóa tài sản ‘ông lớn’ năng lượng Gazprom của Nga

Chính phủ Đức và Ba Lan mới đây tuyên bố sẽ quốc hữu hóa tài sản của Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga.

Cụ thể, theo thông báo ngày 14/11 của Bộ Phát triển và Công nghệ Ba Lan, nước này đã áp dụng chế độ quản lý bắt buộc tạm thời đối với tài sản của Gazprom trên lãnh thổ Ba Lan.

“Chế độ quản lý bắt buộc tạm thời áp dụng với những công ty thuộc sở hữu của tập đoàn Gazprom nằm trong danh sách trừng phạt, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Phát triển và Công nghệ Waldemar Buda”, thông báo cho hay.

"Hiến pháp không cho phép chúng tôi tịch thu tài sản, vì vậy chúng tôi cùng với Bộ Nội vụ và Hành chính đã đưa ra biện pháp bắt buộc quản lý tài sản tạm thời", Bộ trưởng Buda nói thêm.

Theo ông Buda, động thái này cho phép đảm bảo "an ninh cho cơ sở hạ tầng tối quan trọng" của đất nước.

Theo đó, Ba Lan sẽ tiếp quản cổ phần của công ty EuRoPol Gaz, chủ sở hữu đoạn tại Ba Lan của đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu, một phần quan trọng của hệ thống vận chuyển khí đốt tự nhiên tại Ba Lan.

Tập đoàn Nga Gazprom và PGNiG của Ba Lan mỗi bên sở hữu 48% trong EuRoPol GAZ, còn 4% cổ phần còn lại thuộc về Gas Trading của tập đoàn PKN Orlen.

Trước đó, hồi tháng 4, Ba Lan đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 50 công ty và nhà tài phiệt Nga, trong đó có Gazprom.

Đáp lại, hồi tháng 5, Moscow đã ban hành biện pháp hạn chế chống EuRoPol GAZ. Kể từ đó, Gazprom bị cấm sử dụng phần Ba Lan của đường ống để cung cấp khí đốt, và đường ống này chỉ hoạt động theo chiều ngược lại, tức là các thành viên của thị trường châu Âu cung cấp khí đốt từ Đức sang Ba Lan thông qua đường ống này.

Ở động thái liên quan, Chính phủ Đức cùng ngày tuyên bố chính thức quốc hữu hoá công ty năng lượng Gazprom Germania, chi nhánh thuộc tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga tại Đức với lý do tránh cho công ty phá sản và đảm bảo an ninh năng lượng sau khi Nga dừng cung cấp khí đốt sang châu Âu.

Tập đoàn Gazprom đã rút toàn bộ cổ phần khỏi Gazprom Germania vào tháng 4/2022 sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, và chính phủ Đức đã phải đặt Gazprom Germania dưới sự bảo hộ để tránh nguy cơ phá sản khi đang có khoản nợ lên tới 3 tỷ euro.

Gazprom Germania hiện nắm 20% thị phần năng lượng tại Đức và là nhà cung cấp năng lượng cho nhiều cơ quan thuộc chính phủ Đức. Tập đoàn này cũng sở hữu nhiều cơ sở hạ tầng giao thông và lưu trữ khí đốt tại Đức, trong đó có Rehden, cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất châu Âu.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan