A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới?

Mới đây, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI) cho biết, Ấn Độ có khả năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 toàn cầu vào năm 2029 - tăng 7 bậc kể từ năm 2014 khi quốc gia này được xếp hạng thứ 10. Hiện quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này là nền kinh tế lớn thứ 5.

Khả năng hiện hữu

Báo cáo nghiên cứu từ Phòng Nghiên cứu kinh tế của SBI nhận định: “Con đường mà Ấn Độ thực hiện kể từ năm 2014 cho thấy nước này có khả năng đạt được danh hiệu nền kinh tế lớn thứ 3 vào năm 2029”, vượt qua Đức vào năm 2027 và Nhật Bản vào năm 2029.

Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tài chính 2023 ước tính trong khoảng 6,7 - 7,7%, song nếu mức tăng trưởng thực tế chỉ đạt 6 - 6,5% cũng là bình thường do những bất ổn toàn cầu.

Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới? - Ảnh 1

 

Còn theo báo cáo của Bloomberg cuối tuần trước, Ấn Độ đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Ấn Độ mở rộng vị trí dẫn đầu trong quý đầu tiên, theo số liệu GDP từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tuy nhiên, theo báo cáo của SBI, Ấn Độ vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 vào đầu tháng 12 năm 2021.

“Tỷ trọng GDP của Ấn Độ hiện ở mức 3,5%, so với 2,6% trong năm 2014 và có khả năng vượt 4% vào năm 2027, đây là tỷ trọng hiện tại của Đức trong GDP toàn cầu”, báo cáo cho biết thêm. Văn bản này cũng đề cập đến việc nền kinh tế Ấn Độ có thể trở thành người hưởng lợi như thế nào khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong các ý định đầu tư mới.

Theo báo cáo, “quyết định của Hãng công nghệ toàn cầu khổng lồ Apple chuyển một phần sản xuất iPhone 14 tới Ấn Độ để vận chuyển trên toàn thế giới, với thời gian trễ không đáng kể là vài tuần sau khi ra mắt vào ngày 7/9 tới, chứng tỏ sự lạc quan như vậy”.

Tuy nhiên, xét về GDP bình quân đầu người, Ấn Độ vẫn thua kém hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nước này có GDP bình quân đầu người là 2.277 USD vào năm 2021, trong khi Vương quốc Anh có thu nhập bình quân đầu người là 47.334 USD. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc gần gấp 6 lần Ấn Độ, ở mức 12.556 USD vào năm 2021.

Vào ngày 31/8, số liệu GDP do Văn phòng Thống kê quốc gia Ấn Độ công bố trong quý đầu tiên của năm tài chính 2023 cho thấy, nền kinh tế nước này tăng trưởng 13,5%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn dự báo 16,2% của Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ.

Hành trình vươn lên

Theo tờ The Economic Times của Ấn Độ, cách đây 8 năm, khi Thủ tướng Modi nắm quyền lãnh đạo, nền kinh tế của Ấn Độ đang ở trong tình trạng yếu kém. Bất chấp mọi khó khăn và những tuyên bố bi quan của nhiều nhà kinh tế nổi tiếng toàn cầu lúc đó, Thủ tướng Modi vẫn tiếp tục nỗ lực không ngừng để làm sạch hệ thống kinh tế tham nhũng làm suy yếu đất nước.

Trong số những việc đầu tiên mà ông Modi thực hiện khi đảm nhận vai trò lãnh đạo là thành lập một đội điều tra đặc biệt về tiền đen, bên cạnh một loạt cải cách mang tính chuyển đổi trong nhiều lĩnh vực.

Chẳng hạn, thông qua cơ chế cơ chế RERA (Real Estate Regulatory Authority - Cơ quan quản lý Bất động sản), Ấn Độ đã làm sạch lĩnh vực bất động sản và khiến các nhà xây dựng phải chịu trách nhiệm về những cam kết của họ. Quy trình đấu giá minh bạch được đưa ra để làm sạch lĩnh vực khai thác mỏ tham nhũng.

Các hộ nghèo bị lừa đảo bởi chit fund (Quỹ chit) và các cơ chế khác đã được đưa vào sổ. Quỹ chit là một loại hệ thống liên kết tiết kiệm và tín dụng luân phiên được thực hiện ở Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan và một số nước châu Á khác. Các chương trình quỹ chit có thể được tổ chức bởi các tổ chức tài chính, hoặc không chính thức giữa bạn bè, người thân hoặc hàng xóm.

Việc Thủ tướng Modi tập trung vào trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tài chính cũng rất quan trọng trên quan điểm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Hàng ngàn công ty vỏ bọc là phương tiện gian lận tài chính bị đóng cửa. Luật phá sản được đưa ra để giảm căng thẳng cho bảng cân đối kế toán của ngân hàng.

Trong suốt 8 năm, chính quyền Ấn Độ luôn để mắt đến lạm phát vì biết rằng lạm phát ảnh hưởng nhiều nhất đến người nghèo. Khi ông Modi bắt đầu nắm quyền, nền kinh tế Ấn Độ đang hứng chịu lạm phát cao, song nước này đã thành công trong việc đưa lạm phát xuống dưới 6%.

Vào thời điểm Ấn Độ dọn dẹp nền kinh tế vào năm 2019 để bắt đầu giai đoạn tăng trưởng mới, thế giới hứng chịu đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng. Khả năng đi lại, di chuyển bị hạn chế, trong khi hệ thống y tế gặp vô vàn thách thức mới.

Năm 2020, Thủ tướng Modi bắt tay vào việc xây dựng một Ấn Độ mới thông qua tầm nhìn của ông về Aatmanirbhar Bharat (Ấn Độ tự cường - đây là chiến lược đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia tự lực, tự cường, hòa nhập với cộng đồng thế giới). Ấn Độ tập trung vào việc bảo đảm rằng không có gia đình nào bị đói trong trận đại dịch tồi tệ nhất của thế kỷ, đồng thời thiết lập một chu kỳ đầu tư mới cho nền kinh tế, từ sản xuất, khai thác mỏ, nhà ở đến cơ sở hạ tầng. Các lĩnh vực kinh tế này là những nguồn tạo ra việc làm lớn nhất. Khu vực dịch vụ đang dựa trên đà tăng trưởng trở lại trong các lĩnh vực này.

Kết quả của các sáng kiến ​​như Make in India (nhằm khuyến khích các công ty trong và ngoài nước sản xuất sản phẩm ngay tại Ấn Độ, thu hút vốn đầu tư quốc tế) hiện đã được công nhận trên toàn thế giới. Ấn Độ trở thành nhà sản xuất di động lớn thứ 2 thế giới và ngành công nghiệp điện tử của nước này tăng trưởng lên khoảng 80 tỷ USD từ quy mô không đáng kể 10 năm trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu của Ấn Độ vượt mốc 600 tỷ USD.

Tương tự, Ấn Độ cũng quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, từ đó đưa quốc gia trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 trên thế giới. Từ vài trăm công ty khởi nghiệp vào năm 2014, Ấn Độ giờ có hơn 74.000 công ty khởi nghiệp. Hơn 100 công ty khởi nghiệp ngày nay được đánh giá cao là những kỳ lân.

Chưa hết, việc chính quyền Ấn Độ tập trung vào sáng kiến Digital India (Ấn Độ kỹ thuật số) cũng dẫn đến việc tạo ra mô hình hàng hóa kỹ thuật số công cộng độc đáo của nước này. Ấn Độ có thể chuyển lợi ích trực tiếp vào tài khoản của hàng triệu gia đình sống ở những vùng xa xôi của đất nước, trong khi nhiều nền kinh tế phát triển đang phải vật lộn để viết séc ra giấy.

Nhờ sự kiên trì, có phương pháp và tầm nhìn thấu đáo, nền kinh tế Ấn Độ lần lượt vượt qua Nga, Italy, Brazil, Pháp và mới nhất là Anh để đứng vững ở vị trí thứ 5. Các nhà kinh tế Ấn Độ lạc quan rằng, với những bước đi vững chắc hiện nay, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047.


Tác giả: Theo Linh Anh/daibieunhandan.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan