Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Sau đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của Luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ về mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh như thế nào là hợp lý, cân nhắc lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử.
Bởi vì, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác là các giấy tờ được cấp một lần cho cá nhân, gia đình để lưu giữ, quản lý và sử dụng khi cần thiết.
Trong số đó có các giấy tờ như giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử… thì khi cấp cần phải có mặt của những người có liên quan hoặc thân nhân của họ, trong trường hợp này thì việc cấp trực tiếp các giấy tờ này vẫn thuận lợi hơn so với cấp trực tuyến.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, trong các giấy tờ nêu trên có thể có thông tin liên quan đến “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” mà theo quy định tại Điều 21 của Hiến pháp là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cấp trực tuyến các loại giấy tờ nêu trên sẽ làm gia tăng một khối lượng lớn công việc phải giao dịch trên môi trường mạng.
“Liệu hạ tầng công nghệ, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử hiện nay, cũng như nguồn nhân lực, thiết bị có đáp ứng được yêu cầu không? Việc kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan có thẩm quyền liệu có bảo đảm đáp ứng yêu cầu để thực hiện cấp trực tuyến các loại giấy tờ nêu trên cho cá nhân, gia đình không?”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến băn khoăn.
Đây là những vấn đề cần được đánh giá tác động kỹ để làm cơ sở mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ về lộ trình thực hiện, mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này để bảo đảm tính khả thi.
Quan tâm đến quy định dịch vụ tin cậy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công thương Nguyễn Anh Sơn cho rằng, khi tham chiếu sang quy định của pháp luật về đầu tư, dich vụ tin cậy chưa có nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo pháp luật về đầu tư.
Do đó, Vụ trưởng Vụ pháp chế Nguyễn Anh Sơn đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý, nghiên cứu phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung các loại hình dịch vụ này. Đề cập đến vấn đề chứng thực hợp đồng điện tử, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn nhận thấy, hợp đồng điện tử là một hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu.
Do vậy, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu sẽ có thể bao gồm dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (hiện nay đang được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP).
Do đó, với quy định như tại dự thảo Luật có thể gây chồng chéo về quản lý khi triển khai thực hiện. Vì vậy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý rà soát về nội dung này, tránh mâu thuẫn, chồng chéo với hệ thống pháp luật.