A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàng thành Thăng Long tổ chức chuỗi hoạt động đặc sắc

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi hoạt động trưng bày, triển lãm tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Các hoạt động trưng bày, triển lãm mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 5/10/2024 tại Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, số 19 đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội.

Nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long nhân dịp kỉ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long nhân dịp kỉ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Trưng bày tư liệu “Hà Nội và những Cửa ô”

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hà Nội và những Cửa ô”, nhằm giới thiệu lịch sử của các Cửa ô Hà Nội gắn liền với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội.

Hà Nội với 36 phố phường và 5 Cửa ô trong những vần thơ, câu hát đã khắc sâu trong tâm thức biết bao thế hệ người Việt. Cửa ô - danh xưng độc đáo, riêng biệt chỉ có ở Hà Nội, được mở ra tại phần tiếp giáp với sông Hồng, có chức năng như một cửa khẩu buôn bán và được canh phòng cẩn mật.

Ô Quan Chưởng

Ô Quan Chưởng

Trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, những Cửa ô xưa của đất Kinh kỳ đã chìm dần trong ký ức. Câu chuyện về những Cửa ô của Hà Nội là một nội dung đầy tính hấp dẫn về chính bản thân nó cũng như gắn liền với lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

Trưng bày tài liệu lưu trữ “Hà Nội và những Cửa ô” giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 3 chủ đề: Cửa ô xưa; Cửa ô chiến thắng và Cửa ô nay.

Cửa ô - một kiến trúc rất nhỏ bé trong tổng thể các công trình kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhưng lại lưu giữ trong mình một câu chuyện thật dài của Hà Nội. Đó là lịch sử, là chính trị, là văn hóa, là đời sống xã hội. Cửa ô gần gũi, thân thương trong kí ức bao người, nhắc ta về quá khứ vàng son của cha ông, để ta thêm trân trọng hiện tại và dựng xây tương lai.

Trưng bày tài liệu lưu trữ “Hà Nội và những Cửa ô” sẽ khai mạc ngày 7/10 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Triển lãm “Hồ Chí Minh - Hành trình vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội qua sưu tập tem và bưu ảnh”

Hành trình cứu nước và sự nghiệp vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua bộ sưu tập hơn 400 mẫu tem, bưu ảnh cùng trưng bày với bộ sưu tập tem, bưu ảnh gốc phát hành từ năm 1911 đến nay. Nội dung Triển lãm gồm 6 phần.

Phần 1 - Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc: Quá trình lao động, học tập, tìm hiểu thực tế bối cảnh xã hội của các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi.

Phần 2 - Nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Ái Quốc tham gia phong trào Cộng sản, công nhân quốc tế, thành lập Đảng Cộng sản và chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam: Người là hạt nhân trong phong trào yêu nước tại Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Người chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; tham gia hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á và Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu

Phần 3 - Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lãnh đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi: Sau khi thành lập nhà nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân thành công.

Phần 4 - Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc: Sau hiệp định Geneva, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc nhằm thống nhất đất nước.

Phần 5 - Mãi mãi đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Tình cảm của Nhân dân Việt Nam và thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khát vọng độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện. Người là tấm gương của thời đại để các thế hệ sau học tập, làm theo. Triển lãm trưng bày hình ảnh Hồ Chí Minh trên các mẫu tem, bưu ảnh của các nước trên thế giới.

Phần 6 - Hà Nội quyết tâm làm theo lời Bác Hồ dạy để trở thành một “Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần” với văn hóa truyền thống, danh lam thắng cảnh, di tích, phố cổ Hà Nội trên tem bưu chính; các dấu mốc sự kiện lịch sử và danh nhân Hà Nội; Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, phát triển và hội nhập.

Trưng bày tranh “Dấu thiêng” của họa sĩ Chu Nhật Quang

Trưng bày tranh về Hoàng thành và cảnh non sông, di sản văn hóa của Hà Nội mang tên “Dấu thiêng” của hoạ sĩ Chu Nhật Quang diễn ra từ ngày 5 - 15/10/2024 tại Hoàng thành Thăng Long, được tổ chức để chào mừng 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và để thúc đẩy sự phát triển của nghề sơn mài, một trong những di sản văn hóa đặc sắc và độc đáo của Việt Nam.

Sưu tập tranh sơn mài "Dấu thiêng" gồm 52 tác phẩm sơn mài truyền thống vẽ về phong cảnh quê hương, các địa danh di sản dân tộc với phong cách nghệ thuật kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại và chia thành 4 chủ đề.

Họa sĩ Chu Nhật Quang

Họa sĩ Chu Nhật Quang

Đây không chỉ đơn thuần là một cuộc trình diễn nghệ thuật mà còn là một hành trình về nguồn cội, một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy nghề sơn mài và giá trị văn hóa truyền thống trong thế giới hiện đại.

Chu Nhật Quang tiếp nối truyền thống gia đình bằng việc phát triển tranh sơn mài - một hình thức nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh xảo và tầm nhìn sáng tạo. Nguồn cảm hứng lớn nhất của anh luôn hướng về quê hương, dân tộc, mặc dù anh cũng đã có dịp tiếp xúc với văn hóa phương Tây trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.

Những kinh nghiệm này đã mở rộng tầm nhìn và giúp anh tiếp thu những xu hướng mới nhất trong nghệ thuật và văn hóa toàn cầu, từ đó áp dụng vào sự sáng tạo của mình. Dù sống trong môi trường đô thị hóa và nhịp sống hiện đại, họa sĩ luôn duy trì vững chặt liên kết với Văn hóa Việt truyền thống và không ngừng khao khát mang tinh thần quê hương vào từng tác phẩm của mình.

Trưng bày diễn giải tại di tích Hậu Lâu

Nhằm phát huy giá trị di tích Hậu Lâu, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu, diễn giải thông tin về di tích và khơi thông, tái dựng, bảo tồn, phát huy giá trị giếng thời Lê phát lộ tại khu vực Hậu Lâu.

Hậu Lâu - Hoàng thành Thăng Long

Hậu Lâu - Hoàng thành Thăng Long

Giếng được phát hiện năm 2021, nằm trong khu vực Nội điện của Cấm thành Thăng Long thời Lê, nơi cung cấp nguồn nước phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt của các hoàng đế thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII-XVIII . Vì vậy, có thể gọi đây là giếng Ngự (giếng Vua).

Thông tin diễn giải bằng hệ thống pano hình ảnh giúp du khách tìm hiểu thêm về ý nghĩa của công trình, nét đặc sắc của kiến trúc và mỹ thuật trang trí, gửi gắm ước vọng yên vui của các vua triều Nguyễn.

Chỉnh lý Nhà trưng bày chuyên đề “ Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất”

Chỉnh lý nội dung và không gian trưng bày theo hướng hiện đại, hấp dẫn, góp phần tôn vinh và làm nổi bật những hiện vật quý giá khai quật trong lòng đất khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Đặc biệt, Ban tổ chức còn bổ sung công nghệ trình chiếu 3D mapping, màn hình tương tác, tủ trưng bày chuyên dụng gắn màn hình cảm ứng OLED giúp du khách tương tác và cảm nhận được những giá trị đặc biệt của di vật.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan