Xây dựng hệ sinh thái cho thanh long
Trong nhiều năm qua, nông sản Việt Nam vẫn cứ lặp lại điệp khúc “được mùa, mất giá” hoặc kêu gọi giải cứu… Và câu chuyện của trái thanh long là một ví dụ.
Du khách thăm quan và trải nghiệm tại vườn thanh long Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.
Vấn đề của trái thanh long nói riêng và các loại trái cây khác của Việt Nam nói chung chính là tư duy sản xuất của người nông dân chưa theo kịp đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng. Do đó, cần tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, thay vì chỉ “ăn xổi ở thì”. Theo đó, cần xây dựng một hệ sinh thái cho trái thanh long nói riêng và cho các loại trái cây nói chung.
Nhật Bản xây dựng hệ sinh thái cho các loại trái cây từ hạt giống, bảo vệ nguồn gen, nâng dần chất lượng sản phẩm, bao tiêu đầu ra từ nội địa, tiếp thị du khách… đến làm giá trị sản phẩm chế biến sau thu hoạch và hướng tới xuất khẩu.
Vẫn biết so sánh với nền nông nghiệp phát triển như Nhật Bản là khập khiễng và làm theo họ lại càng khó hơn, nhưng khó không phải là không thể. Người nông dân Việt Nam vốn được đánh giá là có khả năng sáng tạo cao, và việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng đang dần được chú trọng. Vấn đề là cần thay đổi nhận thức cũng như tư duy về sản xuất của người nông dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khi làm việc với các địa phương về việc sản xuất và tiêu thụ thanh long mới đây cũng cho rằng, các địa phương sản xuất thanh long phải tổ chức lại sản xuất, liên kết từ cấp xã, quản lý, thay đổi tư duy từ người nông dân.
“Một ngành hàng ở một địa phương phải xây dựng hệ sinh thái. Ví dụ, hệ sinh thái thanh long của Bình Thuận, Long An hay Tiền Giang xuất phát không chỉ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mà phải có sự tham gia, sự nhiệt thành, trách nhiệm từ nhiều phía”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.