A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vốn đầu tư công cho các dự án giao thông trong năm 2023 là 94.161 tỷ đồng

Thông tin tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án và tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải chiều ngày 1/2 cho biết, trên cơ sở kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023 (94.161 tỷ đồng), ngay từ đầu năm, Bộ đã ban hành ngay chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công và kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đầy đủ thủ tục với tổng số vốn 94.135 tỷ đồng (đạt 99,97%).

Gần 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 dành cho các dự án giao thông

Tại cuộc họp trên, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong tổng nguồn vốn trên nguồn vốn nước ngoài đã được giao 100% kế hoạch (4.958 tỷ đồng). Vốn trong nước đã giao 89.177, đạt 99,97% kế hoạch.

Còn lại hơn 26 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan Trung ương do không có kế hoạch trung hạn, không bảo đảm điều kiện giao kế hoạch năm nên chưa thể phân bổ chi tiết và cần báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục phân bổ kế hoạch.

Trong tổng số vốn đã phân khai, các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án thuộc Bộ được giao 86.094 tỷ đồng (chiếm 91,5%); các chủ đầu tư khác (VEC, các Tổng công ty, Sở GTVT các tỉnh…) được giao 8.040 tỷ đồng (chiếm 8,5%).

Theo nhóm dự án, các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 được giao 17.889 tỷ đồng (chiếm 19% kế hoạch vốn được giao); các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 được giao 45.266 tỷ đồng (chiếm 48%); các dự án ODA được giao 7.784 tỷ đồng (chiếm 8,3%).

Các dự án trọng điểm, cấp bách được giao 2.259 tỷ đồng (chiếm 2,4%); các dự án giao thông trong nước còn lại được giao 20.977 (chiếm 22,3%).

Trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, đến nay, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Bộ GTVT đã đạt 1.700 tỷ đồng, đạt 1,81%. Mức giải ngân này cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 giải ngân được 761 tỷ đồng, đạt 1,38%.

Thông tin về tình hình triển khai các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025, ông Lê Quyết Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, thời điểm hiện tại, 57/63 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trong 6 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, có 3 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, gồm: Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận; Đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn; Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc.

3 dự án sử dụng vốn ODA, gồm: Tuyến kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài-Lào Cai giai đoạn 1; dự án mở rộng một số cầu, hầm trên QL.1A (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến quý III/2023) và dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, Nam Sông Hậu).

Trong số 57 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đến nay, 39 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư. Đối với 18 dự án còn lại tiến độ phê duyệt đang chậm so với yêu cầu. Các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án đã lập kế hoạch điều chỉnh, phê duyệt dự án.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị cần quyết liệt chỉ đạo tư vấn thiết kế phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư, kiểm điểm tiến độ hàng tuần, hàng tháng, tập trung giải quyết dứt điểm các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng; báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách,… để hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt dự án theo kế hoạch.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng xác định việc “tiêu” số vốn kỷ lục là rất khó với khối lượng giải ngân hàng tháng gần 8.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng, kết quả giải ngân muốn đạt được cao nhất, các đơn vị không còn cách nào khác là phải tập trung dồn lực ngay từ đầu.

“Tháng 1/2023, Bộ GTVT đã phân khai chi tiết gần hết kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Dù khối lượng giải ngân còn khiêm tốn (mới đạt 1.700 tỷ đồng, chiếm 1,81%), song việc Bộ GTVT chủ động phân khai sớm sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan đơn vị có cơ sở tập trung chỉ đạo các giải pháp tăng tốc giải ngân ngay từ đầu năm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giao thông cũng khẳng định: Giải ngân vốn đầu tư công được Bộ GTVT xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất năm 2023, các cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Các chủ đầu tư/Ban QLDA phải đổi mới tư duy, cách làm, vận dụng sáng tạo các mô hình mới, cách làm hay để có được kết quả tốt nhất.

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, bước vào năm 2023, ngành GTVT tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước khi Thủ tướng Chính phủ đã dành 6 ngày liên tiếp dịp đầu Xuân (từ ngày 4 - 9/1 âm lịch) để thăm, kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. Tại chuyến thị sát này, cách thức chỉ đạo, tổ chức thi công các dự án giao thông trọng điểm của Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao.

"Đây xem như một niềm vui lớn đầu năm mới, giúp ngành GTVT có thể kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc đầu tư hạ tầng hiện nay còn rất nhiều việc phải làm. Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 phải khẩn trương “vừa chạy, vừa xếp hàng”, vừa thi công, vừa thực hiện quy trình thủ tục đối với các mỏ xin cấp phép khai thác mới", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lưu ý.

Giai đoạn đầu thi công, việc xin cấp phép khai thác mỏ mới phải chờ hoàn thiện thủ tục, các nhà thầu cần tận dụng tối đa các mỏ vật liệu đã được cấp phép khai thác, phối hợp với chủ đầu tư làm việc với các địa phương để ổn định trữ lượng, giá cả hợp lý, tạo thuận lợi để bứt tốc sản lượng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Ban QLDA liên quan phải đặc biệt quan tâm công tác chuẩn bị đầu tư, sớm triển khai một số dự án giao thông trọng điểm như: Nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi; đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, TPHCM-Trung Lương-Mỹ Thuận; tập trung tháo gỡ khó khăn trong thi công một số dự án lớn như: cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Bến Lức-Long Thành,…

Bộ trưởng cũng lưu ý đến công tác phối hợp trong thực hiện dự án giao thông được phân cấp cho địa phương thực hiện. Trong đó, cần phải xác định rõ trách nhiệm của Bộ GTVT như thế nào? địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền rồi quá trình thi công dự án, Bộ GTVT có vai trò thanh tra, kiểm tra không? nếu có thì phải xây dựng, ban hành quy định ngay theo đúng quy định của pháp luật.

Quá trình thẩm định hồ sơ các dự án được phân cấp cho địa phương, các cơ quan chuyên ngành thuộc Bộ phải lưu ý về mặt thời gian. Việc thẩm định phải công tâm, khách quan, những điểm không phù hợp phải có sự trao đổi kịp thời để điều chỉnh nhằm bảo đảm tiến độ chung dự án.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan