Việt Nam sẽ xây lò phản ứng hạt nhân mới: Lần đầu tiên có thể tham gia thị trường đặc biệt 10 tỷ USD?
Việc triển khai dự án hạt nhân sẽ giúp Việt Nam không những đảm bảo 100% nhu cầu trong nước, mà còn có thể xuất khẩu mặt hàng đặc biệt này.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam ngày 19-20/6, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Putin đã chứng kiến lễ trao đổi bản ghi nhớ về kế hoạch triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.
Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST) dự kiến đặt tại TP Long Khánh, Đồng Nai. Trung tâm này sẽ có lò phản ứng hạt nhân dạng bể, công suất 10 MW, sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp do Nga chế tạo.
CNST tập trung lĩnh vực vật liệu chiếu xạ, khoa học sinh học, đồng vị phóng xạ, kỹ thuật lò phản ứng, an toàn bức xạ; nghiên cứu điều chế dược chất mới trong điều trị ung thư, nghiên cứu chiếu xạ silic - vật liệu bán dẫn, tán xạ góc nhỏ...
Theo TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thông tin tại buổi họp báo chí thường kỳ quý II/2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 4/7, lò nghiên cứu mới sẽ hướng tới sản xuất dược chất phóng xạ trong điều trị và chẩn đoán ung thư.
Trao đổi với báo Nga Sputnik, một chuyên gia trong ngành hạt nhân nước này nhận định, so sánh với lò nghiên cứu Triga Mark II được xây dựng từ năm 1963 và khôi phục cải tiến năm 1983 hiện đang vận hành ở Đà Lạt (sẽ đóng cửa vào năm 2030), thì lò phản ứng mới là một bước tiến vượt bậc.
Dự án này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhiều công nghệ hạt nhân tiên tiến như công nghệ xây dựng vận hành lò phản ứng thế hệ mới, công nghệ chu trình nhiên liệu khép kín, thử nghiệm các kỹ thuật mới về xử lý và quản lý chất thải phóng xạ.
Chuyên gia này cũng cho rằng, về mặt sản xuất dược phẩm hạt nhân, chủ yếu cho hoạt động chẩn đoán và điều trị ung thư, nếu như lò Đà Lạt với công suất 0.5 MW chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của Việt Nam hiện nay, thì lò phản ứng công suất 10MW với 20-25 kênh khai thác neutron có thể đảm bảo 100% nhu cầu nội địa. Thậm chí, Việt Nam có thể tính tới việc xuất khẩu loại các sản phẩm y học hạt nhân phục vụ chẩn đoán, điều trị.
Theo báo cáo của Công ty tư vấn Exactitude (Anh), quy mô thị trường y học hạt nhân/dược phẩm phóng xạ toàn cầu là 4.40 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên 10.16 tỷ USD vào năm 2029.
Tuy nhiên, việc triển khai dự án như kỳ vọng sẽ đòi hỏi mức đầu tư tài chính khá lớn, có thể lên đến hàng trăm triệu USD. Đồng thời, một lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất 10 MW kèm các trung tâm nghiên cứu phụ trợ sẽ cần 400 – 500 nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đã được đào tạo thực địa hoặc có kinh nghiệm vận hành lò phản ứng trước kia.