A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tâm tài chính quốc gia sẽ theo mô hình nào?

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. HCM (HFIC) chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính: “Mô hình, dịch vụ và các hình thức hoạt động của một trung tâm tài chính quốc tế đã có ở rất nhiều nước, rất đa dạng và hiện đại. Cái khó của TP. HCM khi nhận xây dựng đề án trung tâm tài chính quốc gia là phải nghiên cứu, tìm tòi, sao cho mới hơn, ưu việt hơn, đón đầu được các xu thế, hình thái phát triển của tài chính tương lai…”

Đón đầu các xu hướng

Ngày 1/3/2022, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản khẩn gửi Thủ tướng và Bộ Tài chính báo cáo tiến độ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM. Lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế cao cấp, các tổ chức tài chính - kinh tế, các trường đại học... HFIC đã gửi UBND TP. HCM bản dự thảo 1 (lần thứ 2) về tiến độ xây dựng đề án phát triển TP. HCM thành trung tâm tài chính quốc tế.

Theo đó, mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM được HFIC báo cáo nêu rõ 3 cấu phần cụ thể, gồm: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh.

Dự thảo 1 (lần 2) của đề án này đã đưa ra lộ trình 3 giai đoạn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM, cụ thể: giai đoạn 2021 - 2025 sẽ củng cố vị thế TP. HCM là trung tâm tài chính quốc gia, nâng cấp từ trung tâm tài chính thứ cấp thành một trung tâm tài chính quốc tế trong bảng xếp hạng Chỉ số các trung tâm tài chính toàn cầu của GFCI trước năm 2025, bước đầu định hình được khu trung tâm tài chính - thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) nhằm thu hút các dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng số gắn với sự phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại, thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh...; giai đoạn 2026-2030 tập trung phát triển TP. HCM thành trung tâm tài chính khu vực; từ năm 2031 trở đi sẽ trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. Ở từng giai đoạn, đề án đều đặt ra mục tiêu, định hướng và giải pháp.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, trung tâm tài chính quốc tế này sẽ kết nối trung tâm tài chính hiện hữu ở quận 1 với trung tâm tài chính thương mại phức hợp ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Vị trí đặt ở đâu không quá quan trọng vì xu hướng kết nối online, giao dịch online, công nghệ đang phát triển.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhìn nhận vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, tự do hóa cán cân thị trường vốn, tự do hóa chuyển đổi thị trường tiền tệ... nên phải được xem xét và trình Quốc hội trong thời gian tới.

Theo HFIC, trong giai đoạn đầu, đề án sẽ thí điểm cơ chế để những tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính; cấp phép fintech và ngân hàng số theo cơ chế quản lý nhà nước thí điểm, đồng thời thành lập thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh ở cấu trúc liên thông với các sở giao dịch hàng hóa quốc tế, thu hút các dự án mới tại khu phức hợp tài chính - thương mại Thủ Thiêm.

Những nét đột phá

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, về mô hình trung tâm tài chính, phải xác định sắp tới chúng ta sẽ ưu tiên thu hút những dịch vụ và thị trường tài chính gì; phải dựa vào những dịch vụ tài chính mà trong thời gian qua đã có tốc độ tăng trưởng rất nhanh chóng ở TP. HCM để quyết định điều này.

Căn cứ vào tiềm năng và hiện trạng trong mô hình trung tâm tài chính, có thể thấy sự hội tụ rất lớn của các doanh nghiệp fintech. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các doanh nghiệp fintech với giai đoạn đầu phát triển tốc độ nhanh chứ chưa phải là cấu phần quan trọng của hệ thống tài chính, bởi nó mới chỉ cung cấp những dịch vụ mang tính chất hỗ trợ cho hệ thống tài chính (các ví điện tử được kinh doanh dưới mô hình là trung gian thanh toán); một số tổ chức khác thì chỉ được phép hoạt động như một công ty cung cấp giải pháp và nền tảng công nghệ.

Theo đó, nếu như đặt trong mô hình trung tâm tài chính TP. HCM một cấu phần quan trọng là fintech và ngân hàng số thì tương lai sẽ tạo được đột phá trong chính sách, có một lộ trình để cấp phép, hình thành và đi vào hoạt động các ngân hàng số 100%.

Cấu phần thứ 3 trong mô hình trung tâm tài chính, đó là thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh. Khác với thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kể cả ngân hàng số hay thị trường vốn, đây là phần mà TP. HCM hoàn toàn đang thiếu vắng. Đề án trước đây thiếu cấu phần này, vậy nên đây là thời điểm để có quyết định đột phá, đó là hình thành chính thức một sở giao dịch phái sinh ở TP. HCM.

Theo ông Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP. HCM, cần tập trung vào cả mô hình truyền thống lẫn phi truyền thống; thị trường tiền tệ, các hoạt động liên quan đến thị trường vốn ngắn hạn. Theo đó, phải làm sao để tập trung chính sách thu hút các quỹ đầu tư, các định chế tài chính quốc tế tầm cỡ. Đặc biệt, trong lĩnh này, cần lưu ý đưa vào công nghệ số, fintech và các sản phẩm khác, kể cả đồng tiền số, ngân hàng số. Mảng này rất quan trọng, đó là mô hình hiện đại trong quá trình phát triển từ truyền thống đi lên.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên, bản thân TP. HCM đã là một trung tâm tài chính tự nhiên trong quá trình vận hành của nền kinh tế đất nước. Nếu đặt TP. HCM vào trong bối cảnh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và big data thì tư duy về việc phải xây một khu đô thị, nhà cửa, phố xá san sát để làm trung tâm tài chính là điều mà chúng ta phải cân nhắc lại; phải có những lộ trình tận dụng những cái mà chúng ta đang có hiện nay, kết hợp với kinh tế số, trí tuệ nhân tạo để từ đấy hỗ trợ cho các fintech phát triển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan