A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển vọng TTCK những tháng cuối năm: Cơ hội đan xen thách thức

Với tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục đan xen cơ hội và thách thức, Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giai đoạn cuối năm được dự báo cũng sẽ diễn biến khó lường; xu hướng tích cực có xác suất cao hơn, tuy nhiên sự phục hồi sẽ không mạnh mẽ như giai đoạn 2020-2021.

Với tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục đan xen cơ hội và thách thức, Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giai đoạn cuối năm được dự báo cũng sẽ diễn biến khó lường; xu hướng tích cực có xác suất cao hơn, tuy nhiên sự phục hồi sẽ không mạnh mẽ như giai đoạn 2020-2021.

Ông Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết, trong các tháng đầu năm, TTCK chịu ảnh hưởng từ cả các yếu tố quốc tế và trong nước theo các hướng khác nhau. Các tác động tích cực bao gồm: Trung Quốc mở cửa nền kinh tế; lạm phát toàn cầu đang có xu hướng giảm; 6 tháng đầu năm 2023, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành khiến lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp giảm; các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trên thị trường tài chính, bất động sản... Bên cạnh đó là một số tác động tiêu cực ảnh hưởng đến đà phục hồi của thị trường như: tác động từ các vụ phá sản của các ngân hàng tại Mỹ, châu Âu; tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức thấp; lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết giảm mạnh khi lợi nhuận ròng quý của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HoSE, HNX, UPCoM) quý I/2023 giảm 18,1% so với cùng kỳ, đặc biệt giảm mạnh tại các tại các DN Thép (93,3%), hóa chất (71,9%), chứng khoán (96,9%).

Trong bối cảnh đó, kết thúc nửa đầu năm 2023 chỉ số

VN-Index tăng 11,23%, trong khi các thị trường khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia đều ghi nhận mức giảm so với cuối năm trước. Mức vốn hóa thị trường cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực với mức tăng 10,65% so với cuối năm 2022; tỷ lệ vốn hoá thị trường/GDP năm 2022 đạt mức 60,79%, tăng 5,85 điểm %. Vốn hoá tăng trưởng được ghi nhận trên cả 3 sàn thể hiện mức tăng trưởng chung của thị trường.

Thanh khoản thị trường đã được cải thiện đáng kể khi tăng từ gần 12 nghìn tỷ đồng/phiên trong tháng 01/2023 lên mức 21,6 nghìn tỷ đồng/phiên trong tháng 6. Tính chung bình 6 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch bình quân ở mức 13,8 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng trong 6 tháng đầu năm 2023 với giá trị luỹ kế mua ròng là gần 1.500 tỷ đồng...

Dự báo thị trường giai đoạn cuối năm, ông Phạm Tiến Đạt cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi. Các chuyên gia của CTCK VNDirect cũng cho biết, các chính sách của Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm và sẽ còn tác động tích cực lên TTCK.

Triển vọng TTCK những tháng cuối năm: Cơ hội đan xen thách thức - Ảnh 1.

Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết vẫn còn chịu nhiều áp lực phía trước bởi sự phục hồi của nền kinh tế vào quý III vẫn còn nhiều thách thức và các vấn đề trên thị trường bất động sản và trái phiếu sẽ cần thêm thời gian để giải quyết.

Kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ tăng trưởng thấp hơn so với năm 2022, đồng thời mức lạm phát được dự báo cao hơn, điều này cũng gây áp lực không nhỏ cho quá trình phục hồi của TTCK.

Với nhiều yếu tố tác động, TTCK được dự báo sẽ còn biến động ở cả 2 chiều. Ở chiều điều chỉnh, mức độ biến động được kỳ vọng không quá lớn do khó khăn của nền kinh tế cũng đã được TTCK phản ánh sớm và phần lớn trong năm 2022 qua mức giảm gần 33% của chỉ số VN-Index.

“Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong giai đoạn cuối năm là lãi suất. Trong 6 tháng vừa qua, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2,0 %/năm. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi của các doanh nghiệp”, ông Đạt cho hay.

Riêng đối với TTCK, lãi suất giảm luôn tạo ra hiệu ứng tích cực.

Thực tế trong giai đoạn 2020-2021 cho thấy, mặc dù nền kinh tế suy giảm mạnh, hoạt động của các doanh nghiệp gần như ngưng trệ, nhưng TTCK lại ghi nhận mức tăng trưởng cao kỷ lục khi dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán.

Trong báo cáo mới nhất, CTCK VNDirect đưa ra nhận định về mối quan hệ giữa lãi suất và chu kỳ của TTCK. Theo đó, thời điểm lãi suất giảm chính là điểm kết thúc của chu kỳ suy thoái và là điểm bắt đầu cho chu kỳ phục hồi.

Tại thời điểm đầu năm 2023, chỉ số VN-Index năm 2023 được các CTCK dự báo trong khoảng 1.160-1.350 điểm, tương ứng tăng 15-35% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên trong báo cáo Chiến lược thị trường năm 2023, CTCK VNDirect dự báo tăng của thị trường sẽ vững chãi hơn vào giai đoạn cuối năm. Chỉ số VN-Index được dự báo sẽ đạt 1.300-1.350 điểm trong nửa cuối 2023.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan