A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tín dụng lĩnh vực HTX tăng gần 12%

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến cuối năm 2024, có 35 tổ chức tín dụng tham gia cho vay đối với hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX với dư nợ đạt 6.855 tỷ đồng, tăng 11,53% so với cuối năm 2023.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đều bố trí nguồn lực, tích cực triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tín dụng cho khách hàng, trong đó có đối tượng là HTX, Liên hiệp HTX.

Một số TCTD công bố các sản phẩm tín dụng phù hợp với điều kiện kinh doanh của HTX, như: Agribank công bố các chương trình cho vay ưu đãi theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN; BIDV công bố các chương trình cho vay sản xuất – kinh doanh với lãi suất ưu đãi từ 3,9-4,1%/năm; VCB công bố nhiều chương trình cho vay sản xuất – kinh doanh linh hoạt, ưu đãi về lãi suất, kỳ hạn và điều kiện cấp tín dụng thuận lợi...

Đến cuối năm 2024, có 35 TCTD tham gia cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX với dư nợ đạt 6.855 tỷ đồng, tăng 11,53% so với cuối năm 2023. Đến cuối tháng 01/2025, dư nợ cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX đạt 6.428 tỷ đồng, giảm 6,23% so với cuối năm 2024, chiếm 0,04% tổng dư nợ nền kinh tế.

-7429-1744603484.jpg

Dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên HTX, đến cuối tháng 01/2025 đạt hơn 7,3 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,7% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế

NHNN cho biết bên cạnh dư nợ cho vay chủ thể là HTX, liên hiệp HTX, các TCTD còn cho vay đối với các cá nhân, hộ gia đình là thành viên HTX để đáp ứng nhu cầu sản xuất của HTX, liên hiệp HTX. Theo đó, tín dụng của ngành ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX có thể cao hơn nhiều, dưới hình thức khoản vay của cá nhân thành viên HTX.

Theo thống kê của NHNN, dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên HTX, đến cuối tháng 01/2025 đạt hơn 7,3 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,7% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế; trong đó, dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2,51 triệu tỷ đồng chiếm 68,03% tổng dư nợ nông nghiệp, nông thôn.

Agribank hiện là ngân hàng thương mại duy nhất xây dựng quy chế tín dụng riêng đối với HTX và triển khai cơ chế cho vay ưu đãi như: không yêu cầu tài sản bảo đảm tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX nông thôn, 2 tỷ đồng cho HTX nuôi trồng thủy sản, và 3 tỷ đồng đối với liên hiệp HTX ngành thủy sản. Đặc biệt, đối với các HTX tham gia chuỗi giá trị, mức cho vay không tài sản bảo đảm có thể lên tới 80% tổng giá trị dự án.

Tính đến 31/3/2025, dư nợ cho vay HTX của Agribank đạt gần 1.916 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cuối năm 2024. Tuy nhiên, tỷ trọng này vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 0,11-0,12% trong tổng dư nợ toàn hệ thống.

Về phía Ngân hàng Chính sách Xã hội, đại diện đơn vị cho biết hiện đang triển khai 3 chương trình tín dụng chính hỗ trợ HTX, gồm: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, cho vay thương nhân vùng khó khăn và cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Cụ thể, chương trình cho vay tạo việc làm hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng cho mỗi dự án, hoặc 100 triệu đồng/người lao động. Chương trình cho vay thương nhân tại vùng khó khăn cấp tối đa 1 tỷ đồng/khách hàng với lãi suất 9%/năm. Đặc biệt, chương trình cho vay theo chuỗi giá trị áp dụng cho HTX có ít nhất 70% lao động là người dân tộc thiểu số, với mức vay tối đa 2 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 3,96%/năm.

Tính đến 31/3/2025, tổng dư nợ chương trình cho vay tạo việc làm đạt trên 114.645 tỷ đồng, trong đó dư nợ dành cho HTX và tổ hợp tác đạt 54,74 tỷ đồng với 71 khách hàng còn dư nợ.

Tuy nguồn vốn còn hạn chế, nhưng Ngân hàng Chính sách Xã hội đã và đang là kênh tín dụng quan trọng hỗ trợ HTX quy mô nhỏ, hoạt động tại vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Thanh Hoa


Tác giả: Thanh Hoa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết