Năm 2019 chứng kiến sự "xâm lấn" của xe ô tô nhập khẩu
Sự xâm lấn của ô tô nhập khẩu và cầu yếu đã khiến ngành sản xuất ô tô trong nước tăng chậm lại.
Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần chứng khoán SSI về toàn cảnh tăng trưởng kinh tế 2019 cho biết, GDP Công nghiệp quý 4 chỉ tăng 7,92%, thấp hơn nhiều mức tăng của quý 3 (10,42%) và 9 tháng đầu năm (9,56%). Sự sụt giảm của sản xuất công nghiệp đến từ cả 3 cấu thành là khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất phân phối điện, khí đốt. Khai khoáng giảm 0,92% trong khi quý 3 tăng 4,2% và 9 tháng tăng 2,68%
Theo đó, khai thác dầu thô và khí tự nhiên quý 4 giảm 3,6% là nguyên nhân chính kéo giảm ngành khai khoáng. Khai thác dầu ở các mỏ chủ lực trong năm 2019 đang trong giai đoạn suy kiệt, các mỏ mới phát hiện đều nhỏ, cận biên, điều kiện vận hành phức tạp, chi phí cao. Khai thác than tăng 8,2% thấp hơn nhiều quý 3 là 20,5%. Sự chậm lại của Khai thác than có tính mùa vụ khi đã qua mùa nắng nóng và sản lượng thủy điện tăng. Khai thác quặng kim loại tăng mạnh 47,2% nhưng do tỷ trọng nhỏ nên không đủ bù đắp cho phần hụt đi của dầu khí.
Công nghiệp chế biến chế tạo giảm tốc xuống 10,86%, thấp nhất nhiều quý. Sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế giảm 16%. Sản xuất kim loại tăng 9,3%, chưa bằng 1/3 mức tăng trung bình của 3 quý đầu năm. Theo thống kê của Hiệp hội thép, tổng sản lượng thép bán hàng trong 11 tháng là 21,2 triệu tấn, tăng 6,3%, (9 tháng còn tăng 8,5%) trong đó thép xuất khẩu là 4,2 triệu tấn, giảm 2,6% (9 tháng còn tăng 2,9%).
Sản xuất sản phẩm điện tử tăng 5,1%, riêng tháng 12 giảm 3,3%, mức thấp nhất 33 tháng. Ngành sản xuất điện tử sẽ chưa thể khả quan khi thị trường xuất khẩu điện thoại đã bão hòa. Nhập khẩu điện thoại và linh kiện liên tục sụt giảm, tháng 12 giảm 14%, là chỉ báo không tích cực cho sản xuất điện thoại và ngành điện tử trong giai đoạn đầu năm 2020.
Sản xuất xe có động cơ tăng 2,8%, riêng tháng 12 hồi phục 11,9% sau 4 tháng gần như không có tăng trưởng. Sự xâm lấn của ô tô nhập khẩu và cầu yếu đã khiến ngành sản xuất ô tô trong nước tăng chậm lại. Theo báo cáo bán hàng của VAMA, lượng xe lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 11 giảm 12,4% và tính chung 11 tháng giảm 12,8% trong khi xe nhập khẩu tăng tương ứng là 15% và 104%.
Trong khi đó, may mặc giảm tốc đáng báo động, quý 4 chỉ tăng 3,7%. Chiến tranh thương mại thực tế đã có ảnh hưởng tiêu cực (thay vì tích cực như kỳ vọng) đến ngành dệt may từ 2 góc độ. Thứ nhất, tổng cầu dệt may toàn cầu tăng chậm 3,3% thay vì 7,4% như năm 2018. Thứ hai, xu thế kinh doanh ngắn hạn, phòng thủ trước các diễn biến khó lường về chính sách thương mại quốc tế, dẫn tới khó tối ưu kế hoạch và chi phí cho doanh nghiệp dệt may.
Các ngành công nghiệp có tỷ trọng lớn (sản phẩm điện tử, xe có động cơ, dệt may) và ngành vốn có tăng trưởng rất cao (dầu mỏ tinh chế, kim loại) tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng đến toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Điểm tích cực là phần lớn các ngành công nghiệp khác vẫn có tăng trưởng ổn định như sản xuất đồ uống quý 4 tăng 10,3% (cùng kỳ tăng 7,2%), dệt tăng 12,3% (cùng kỳ tăng 12,7%), sản xuất da và sản phẩm tăng 13,4% (cùng kỳ tăng 11,9%), chế biến gỗ tăng 11,9% (cùng kỳ tăng 11,3%), giấy và sản phẩm tăng 12,7% (cùng kỳ tăng 17,4%),..
Xuất khẩu hàng hóa cũng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của khối trong nước. Năm 2019 xuất khẩu của khối trong nước tăng 17,7%, cao hơn nhiều khối FDI là 4,2%. Do tỷ trọng của khối FDI vẫn rất lớn, chiếm gần ¾ tổng giá trị xuất khẩu nên tăng trưởng xuất khẩu chung cả năm vẫn giảm xuống 8,1% (năm 2018 là 13,2%).
Xuất siêu hàng hóa của năm 2019 đạt mức kỷ lục 10 tỷ USD, tăng 42%. Trong đó khối FDI xuất siêu 35,8 tỷ USD, tăng 17% (năm 2018 tăng 35%), khối trong nước nhập siêu 25,9 tỷ USD, tăng 9,7% (năm 2018 tăng 19%).
Trong các nhóm hàng hóa xuất khẩu của năm 2019, khối trong nước nổi lên với nhóm hàng công nghiệp như máy móc thiết bị, sản phẩm điện tử và đặc biệt là điện thoại. Xuất khẩu điện thoại của khối trong nước năm 2019 tăng đột biến hơn 10 lần so với cùng kỳ. Như vậy 85e5 sự vươn lên của khối tư nhân đã mang lại kết quả tức thì cho tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và ổn định vĩ mô.
thuận lợi cả giá và thị trường trong năm 2018 đã khiến ngành thủy sản bước vào năm 2019 với sự lạc quan thái quá, đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng trên 10%. Tuy nhiên thực tế giá trị xuất khẩu thủy sản 2019 chỉ đạt 8,57 tỷ USD, giảm 2,4%. Mục tiêu cao đã làm gia tăng diện tích nuôi trồng và sản lượng nhưng thị trường xuất khẩu lại không như kỳ vọng khi cả Mỹ, EU và Trung Quốc đều giảm nhập khẩu. Tuy Trung Quốc tăng nhập khẩu trở lại từ nửa cuối năm do khủng hoảng thịt lợn nhưng giá cá tra tại Việt nam vẫn không thể thoát đáy.