Thị trường ngày 25/2: Giá vàng tăng phi mã vượt 1.670USD/ounce, dầu giảm mạnh 4%
Virus corona lây lan mạnh ngoài Trung Quốc bao trùm thị trường hàng hóa toàn cầu, kéo giá hầu hết các mặt hàng giảm mạnh. Chốt phiên giao dịch ngày 24/2, dầu giảm mạnh 4%, khí tự nhiên giảm hơn 4%, kẽm thấp nhất hơn 3,5 năm, nhôm thấp nhất 3 tuần, đồng thấp nhất 2 tuần và nickel thấp nhất 7 tháng, các mặt hàng nông sản đồng loạt giảm. Trong khi tài sản trú ẩn an toàn như vàng và kim loại quý đều tăng mạnh.
Dầu giảm 4%
Giá dầu giảm gần 4% do lo ngại virus corona lây lan mạnh tại các nước ngoài Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại về ảnh hưởng đối với nhu cầu dầu thô.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/2, dầu thô Brent giảm 2,2 USD tương đương 3,8% xuống 56,3 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,95 USD tương đương 3,7% xuống 51,43 USD/thùng.
Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng giảm mạnh do lo ngại về tác động của virus corona gia tăng, với các trường hợp nhiễm bệnh mới tại Iran, Italia và Hàn Quốc tăng mạnh.
Virus corona đã lây nhiễm gần 77.000 người và hơn 2.500 người chết ở Trung Quốc, hầu hết trong số họ ở Hồ Bắc. Trong khi thành phố lớn thứ 4 của Hàn Quốc – Daegu – ngày càng bị cô lập khi số ca nhiễm bệnh tăng mạnh.
Tuy nhiên, Saudi Aramco dự kiến tác động của virus corona đối với nhu cầu dầu sẽ tồn tại trong ngắn hạn và tiêu thụ dầu sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Trong khi đó, Bank of America giữ dự báo giá dầu thô Brent năm 2020 sẽ duy trì ở mức 62 USD/thùng do nguồn cung OPEC suy giảm và khả năng phục hồi của thị trường trước biến động của địa chính trị.
Khí tự nhiên giảm hơn 4%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 4% do dự báo thời tiết ôn hòa hơn, nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới thấp hơn so với dự báo trước đó và theo xu hướng giá dầu giảm.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn New York giảm 7,8 US cent tương đương 4,1% xuống 1.827 USD/mmBTU, thấp nhất kể từ ngày 13/2/2020. Giá khí tự nhiên giảm phiên thứ 4 liên tiếp – lần đầu tiên – kể từ cuối tháng 1/2020, sau khi tăng gần 8% trong ngày 18/2/2020 do triển vọng thời tiết lạnh hơn vào cuối tháng 2/2020. Như vậy, tính đến nay giá khí tự nhiên đã giảm 37% kể từ mức cao nhất 8 tháng (2,905 USD/mmBTU) trong tháng 11/2019.
Vàng cao nhất 7 năm, bạc cao nhất 6 tháng
Giá vàng tăng mạnh 2,8% lên mức cao nhất 7 năm, do các nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi virus corona lây lan mạnh ngoài Trung Quốc.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,7% lên 1.671,35 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.688,66 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 1/2013 và vàng kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn New York tăng 1,7% lên 1.676,6 USD/ounce.
Các nhà đầu tư xem vàng và các tài sản khác như trái phiếu chính phủ và đồng USD là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn.
Đồng thời, giá bạc tăng 2,3% lên 18,88 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 9/2019 (18,9 USD/ounce).
Kẽm thấp nhất hơn 3,5 năm, nhôm thấp nhất 3 tuần, đồng thấp nhất 2 tuần và nickel thấp nhất 7 tháng
Giá kẽm chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016, do lo ngại virus corona lây lan mạnh ngoài Trung Quốc sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu kim loại.
Giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 3,3% xuống 2.046 USD/tấn, thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2016.
Ngoài ra, giá kẽm còn chịu áp lực giảm bởi nguồn cung kẽm gia tăng. Dự trữ kẽm tại London tăng 52% trong hơn 3 tuần qua và tại Thượng Hải đạt mức cao nhất gần 2 năm (143.164 tấn) trong ngày 21/2/2020.
Commerzbank cho biết, tồn kho tăng cao trong khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và một số nhà sản xuất vẫn chưa tiếp tục hoạt động.
Đồng thời giá nhôm trên sàn London giảm 0,9% xuống 1.699 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 5/2/2020.
Giá đồng trên sàn London giảm 1,3% xuống 5.689 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 5.671,5 USD/tấn, thấp nhất 2 tuần. Giá nickel giảm 0,8% xuống 12.430 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 7/2019.
Quặng sắt tăng phiên thứ 10 liên tiếp, thép diễn biến trái chiều
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 10 liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 6/2016, do kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế yếu kém bởi tác động của virus corona bùng phát.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,6% lên 674 CNY (95,94 USD)/tấn, trong phiên có lúc tăng 2,2%. Tính đến nay, giá quặng sắt tăng 16,6% trong 10 phiên tăng liên tiếp vừa qua do nguồn cung thắt chặt.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay tăng lên 92,5 USD/tấn – cao nhất 4 tuần và tăng tổng cộng 13% trong 3 tuần liên tiếp vừa qua.
Ngoài ra, giá quặng sắt còn được hỗ trợ bởi dự trữ tại các cảng của Trung Quốc tính đến ngày 21/2/2020 giảm xuống 128,6 triệu tấn, so với 130,65 triệu tấn tuần trước đó, tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,2%, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,6%, trong khi giá thép không gỉ giảm 1,3%.
Đường và cà phê đều giảm
Giá đường và cà phê đều giảm do virus corona lây lan mạnh ngoài Trung Quốc tác động đến thị trường hàng hóa.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE giảm 0,3 US cent tương đương 1,9% xuống 15,29 US cent/lb. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 7,1 USD tương đương 4,1% xuống 416,3 USD/tấn.
Đồng thời, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE giảm 4,5 US cent tương đương 4,1% xuống 1,0575 USD/lb, sau khi đóng cửa phiên trước đó tăng 5,05%. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 24 USD tương đương 1,85% xuống 1.272 USD/tấn.
Ngô, đậu tương và lúa mì đều giảm
Giá ngũ cốc và đậu tương tại Mỹ giảm do lo ngại về virus corona lây lan mạnh ngoài Trung Quốc, kéo thị trường hàng hóa giảm và củng cố đồng USD.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 16-1/2 US cent xuống 8,82-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 8,79-1/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 23/5/2019. Giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 4-1/2 US cent xuống 3,76-1/4 USD/bushel, giảm phiên thứ 4 liên tiếp. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 17-1/4 US cent xuống 5,34-3/4 USD/bushel, thấp nhất 10 tuần.
Tuy nhiên, nhu cầu đậu tương vẫn không chắc chắn khi Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu tương hàng đầu thế giới – bị ảnh hưởng bởi virus corona bùng phát và dịch tả lợn châu Phi kéo dài làm suy giảm hơn 1/2 số đàn lợn của nước này. Ngoài ra, giá đậu tương còn chịu áp lực từ vụ thu hoạch bội thu tại Brazil – nước xuất khẩu đậu tương hàng đầu thế giới.
Dầu cọ giảm
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm do sản lượng tăng cao và lo ngại về nhu cầu suy giảm bởi virus corona lây lan mạnh, song mức giảm được hạn chế bởi đồng ringgit suy yếu.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 0,5% xuống 2.610 ringgit/tấn. Trong tuần trước, giá dầu cọ giảm 1,4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2019, do lo ngại nhu cầu giảm bởi virus corona bùng phát buộc hàng triệu người Trung Quốc – nước mua dầu cọ lớn thứ 2 thế giới – phải ở tại nhà, trong bối cảnh nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 25/2