Thị trường ngày 2/4: Dầu cao nhất 5 tháng, vàng, đồng, quặng sắt đồng loạt tăng
Kết thúc phiên giao dịch 1/4, thông tin kinh tế tích cực từ Mỹ và Trung Quốc khiến các hàng hóa đồng loạt tăng từ dầu, đồng, quặng sắt và vàng, trong khi ngũ cốc tại Mỹ giảm.
Dầu lên mức cao nhất 5 tháng
Giá dầu thô tăng khoảng 1% lên mức cao nhất 5 tháng do dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng sau khi có tin tức kinh tế tích cực từ Mỹ và Trung Quốc, trong khi OPEC+ cắt giảm sản lượng và các cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu tại Nga đã thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Chốt phiên 1/4, dầu thô Brent tăng 0,42 USD hay 0,5% lên 87,42 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 0,54 USD hay 0,7% lên 83,71 USD/thùng, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 27/10/2023.
Tại Mỹ, sản xuất tháng 3 tăng lần đầu tiên trong 1,5 năm do sản xuất phục hồi mạnh và các đơn hàng mới tăng, nhưng việc làm tại các nhà máy vẫn giảm do hoạt động sa thải quy mô lớn và giá dầu tăng cao.
Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ tuần trước cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang – phần lớn đã được tiết chế trong tháng 2, với chi phí dịch vụ bên ngoài nhà ở và năng lượng đang chậm lại đáng kể.
Trong khi một số nhà phân tích cho biết sự gia tăng trong giá đầu vào sản xuất có thể khiến ngân hàng trung ương Mỹ phải tạm dừng việc cắt giảm lãi suất, còn lại hầu hết các nhà phân tích cho biết việc tiết chế chỉ số giá PCE sẽ khiến việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6 vẫn có khả năng.
Lãi suất giảm làm giảm chi phí mua hàng hóa và dịch vụ, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.
Tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất tăng lần đầu tiên trong 6 tháng đang hỗ trợ nhu cầu dầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Các nhà phân tích Goldman Sachs cho biết tại Châu Âu, nhu cầu dầu mạnh hơn dự kiến, tăng 100.000 thùng/ngày trong tháng 2, so với dự báo giảm 200.000 thùng/ngày trong năm 2024.
Về phía nguồn cung, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia có thể nâng giá bán chính thức dầu thô Arab Light trong tháng 5.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết các công ty dầu mỏ của nước này sẽ tập trung vào việc giảm sản lượng thay vì xuất khẩu trong quý 2, để chia đều việc cắt giảm sản lượng với các thành viên khác của OPEC+.
Vàng tăng
Giá vàng giảm bớt mức tăng do USD và lợi suất trái phiếu tăng, sau khi vàng tăng vọt lên mức cao mới bởi dự đoán ngày càng tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6.
Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.238,18 USD/ounce sau khi lên mức cao mọi thời đại tại 2.265,49 USD trước đó trong phiên này. Vàng Mỹ đóng cửa tăng 0,9% lên 2.236,5 USD/ounce.
Bart Melek, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại công ty chứng khoán TD cho biết quan điểm hiện tại là Fed có thể sẽ bắt đầu sớm cắt giảm lãi suất đáng kể trước thời điểm đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Vàng có xu hướng tăng khi lãi suất giảm.
Tuy nhiên, USD tăng 0,5% lên mức cao nhất 4 tháng so với các đối thủ, khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm cũng tăng.
Giá đồng tại Thượng Hải tăng
Giá đồng tại Thượng Hải tăng do số liệu công nghiệp tích cực của Trung Quốc làm tăng triền vọng nhu cầu đối với kim loại này, nhưng đà tăng bị hạn chế bởi mức dự trữ cao.
Hợp đồng đồng giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 1,1% lên 73.100 CNY (10.110,79 USD)/tấn, giá đã tăng 5,4% trong tháng 3, tháng tăng mạnh nhất trong 16 tháng.
Sàn giao dịch kim loại London LME đóng cửa nghỉ lễ Phục Sinh.
Sự gia tăng này diễn ra sau một cuộc khảo sát chính thức của các nhà máy vào cuối tuần cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3 tăng tháng đầu tiên trong 6 tháng. Mặc dù tốc độ tăng trưởng là khiêm tốn, nhưng đây cũng là chỉ số PMI cao nhất kể từ tháng 3/2023, khi động lực từ việc dỡ bỏ những hạn chế liên quan tới Covid-19 ở Trung Quốc bắt đầu chững lại.
Tuy nhiên, dự trữ đang tăng gây sức ép lên giá trong phiên này.
Quặng sắt tăng
Quặng sắt đảo lại chiều giảm trước đó, bởi số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc tháng 3 tăng lần đầu tiên trong 6 tháng.
Chỉ số PMI tăng lên 50,8 trong tháng 3 từ 49,1 trong tháng 2.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 tại Singapore tăng 0,01% lên 101,05 USD/tấn.
Trước đó trong phiên giá sụt giảm bởi những lo ngại về nguồn cung.
Tại Thượng Hải thép thanh tăng 0,2%, thép cuộn cán nóng tăng 1,5%, dây thép cuộn giảm 0,9% và thép không gỉ giảm 0,6%.
Cao su Nhật Bản giảm
Giá cao su Nhật Bản kết thúc chuỗi 4 ngày tăng, đóng cửa giảm 1%, bởi chứng khoán trong nước suy yếu, mặc dù giá dầu tăng đã hạn chế đà giảm.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 3,5 JPY, hay 1,07% xuống 325,1 JPY (2,15 USD).
Tại Thượng Hải cao su cùng kỳ hạn này tăng 175 CNY lên 14.780 CNY (2.044,12 USD)/tấn.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần, bởi lo lắng về việc can thiệp mua đồng JPY sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận xuất khẩu và lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cà phê tiếp tục tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 2,95 US cent hay 1,6% lên 1,918 USD/lb sau khi lên mức cao nhất trong 2,5 tuần tại 1,927 USD.
Các đại lý cho biết giá cà phê arabica đang bị ảnh hưởng tích cực bởi tình trạng nguồn cung cà phê robusta khan hiếm khi Việt Nam và Indonesia không cung cấp đủ sản phẩm cho thị trường và Brazil vẫn chưa bắt đầu thu hoạch vụ 2024.
Dự trữ cà phê tại Nhật Bản vào cuối tháng 2 giảm 3,3% so với một năm trước, xuống 2,44 triệu bao, theo số liệu từ Hiệp hội Cà phê Nhật Bản.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,2 US cent hay 0,9% lên 22,72 US cent/lb, giá đã lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 2 tại 22,91 US cent.
Thị trường này tập trung vào Brazil và thời điểm bắt đầu thu hoạch vụ mía năm nay.
Thời tiết khô hạn ở khu vực Trung Nam Brazil sau những trận mưa vào tuần trước, vì vậy nhiều nhà máy có thể bắt đầu hoạt động xử lý mía cho vụ này.
Ngô giảm do nguồn cung lớn, lúa mì cũng giảm
Ngũ cốc của Mỹ giảm do áp lực từ nguồn cung dồi dào phần nào làm giảm mức tăng mạnh vào cuối tuần trước sau báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo diện tích trồng ngô của Mỹ thấp hơn dự kiến.
Đậu tương giảm cùng với ngô và lúa mì phản ánh nguồn cung toàn cầu mạnh và nhu cầu xuất khẩu của Mỹ đang chậm lại theo mùa.
Ngô kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm 6-1/2 US cent xuống 4,35-1/2 USD/bushel.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5 giảm 5-3/4 US cent xuống 11,85-3/4 USD/bushel.
Lúa mì mềm đỏ vụ đông cùng kỳ hạn giảm 3-1/4 xuống 5,57 USD/bushel.Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 02/4