Thị trường ngày 03/3: Dầu bật tăng hơn 4% sau 6 phiên giảm, vàng cũng đảo chiều tăng
Kỳ vọng các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tung thêm các gói kích thích để giảm bớt tác động của sự bùng phát virus corona tới nền kinh tế giá hầu các mặt hàng đều tăng.
Dầu tăng hơn 4%
Giá dầu đảo chiều tăng trong phiên sau khi xuống mức thấp nhất nhiều năm, do kỳ vọng OPEC cắt giảm sản lượng sâu hơn và các ngân hàng trung ương tung thêm kích thích để giảm bớt những lo lắng về thiệt hại nhu cầu từ sự bùng phát của virus corona.
Chốt phiên 02/3, dầu thô Brent tăng 2,23 USD hay 4% lên 51,9 USD/thùng, trước đó trong phiên giá đã xuống thấp nhất kể từ tháng 7/2017 tại 48,4 USD/thùng. Dầu thô WTI đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018 tại 43,32 USD/thùng, nhưng cuối phiên tăng 1,9 USD hay 4,5% lên 46,75 USD/thùng.
Đây là phiên tăng giá đầu tiên của cả 2 loại dầu này sau 6 phiên giảm bởi lo lắng về virus corona, đã giết chết hơn 3.000 người và lây lan rộng ra khắp thế giới. Nhà phân tích của công ty dầu UBS cho biết những bình luận của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc Nga tiếp tục hợp tác với OPEC và các đồng minh cũng hỗ trợ giá dầu trước cuộc họp quan trọng của các nhà sản xuất dầu vào cuối tuần này.
Số liệu của Trung Quốc phát hành vào cuối tuần qua đã kéo giá dầu giảm trong đầu phiên giao dịch. Tuy nhiên một số thành viên quan trọng của OPEC đang cân nhắc cắt giảm sản lượng thêm trong quý 2 do lo sợ sự bùng phát của virus sẽ xói mòn nhu cầu dầu. Đề xuất trước đó là cắt giảm sản lượng thêm 600.000 thùng/ngày so với hiện nay.
Ngày 2/3 Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết Moscow đang đánh giá đề xuất cắt giảm sản lượng ít hơn do OPEC+ đưa ra, đồng thời không nhận được đề xuất cắt giảm sâu hơn.
Theo một khảo sát của Reuters sản lượng dầu của OPEC giảm trong tháng 2 xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ do sản lượng của Libya giảm bởi phong tỏa các cảng và mỏ dầu đồng thời Saudi Arabia và các thành viên khác vùng Vịnh giảm quá mức theo thỏa thuận hạn chế mới.
Giá dầu đã giảm hơn 20% kể từ đầu năm nay, bất chấp OPEC+ cắt giảm sản lượng khoảng 1,7 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận có hiệu lực đến hết tháng 3/2020.
Vàng tăng trở lại
Vàng tăng gần 1% trong phiên qua, phục hồi sau khi sụt giảm 1 ngày lớn nhất trong gần 7 năm, do khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác nới lỏng chính để giảm tác động tới nền kinh tế từ sự bùng phát virus corona.
Vàng giao ngay trên sàn giao dịch LBMA tăng 0,4% lên 1.591,84 USD/ounce và vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn giao dịch đóng cửa tăng 1,8% lên 1.594,8 USD/ounce.
Trong bối cảnh các thị trường toàn cầu bán tháo trong ngày 28/2, vàng đã giảm hơn 4,5%, ngày sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2013 do các nhà đầu tư thanh lý hợp đồng để chuyển sang ký quỹ trong các tài sản khác.
Ngân hàng Commerzbank cho biết sự sụt giảm giá mạnh vào cuối tuần trước là quá mức. Tình hình virus corona vẫn còn gây ra bất an trên các thị trường nên giá vàng vẫn đang tăng.
Thị trường kỳ vọng về cắt giảm lãi suất trong năm nay, đó là lý do tại sao USD chịu áp lực giảm lớn.
Đồng và kim loại công nghiệp phục hồi do hy vọng kích thích kinh tế
Đồng và các kim loại công nghiệp khác phục hồi trong phiên do hy vọng các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ bơm thêm kích thích vào nền kinh tế đang yếu kém bởi sự bùng phát của virus corona.
Mức độ ảnh hưởng đối với quốc gia tiêu thụ thép hàng đầu Trung Quốc đã xuất hiện khi số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của nhà máy đã giảm mạnh kỷ lục trong tháng 2, trong khi các ngành sản xuất khác ở Châu Á cũng yếu.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cảnh báo virus đang khiến nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch Kim loại London (LME) đóng cửa tăng 1,2% lên 5.700 USD/tấn sau khi giảm xuống mức thấp 5.533 USD/tấn trong ngày 28/2. Đồng đã giảm 10% kể từ khi chạm mức đỉnh 8 tháng vào giữa tháng 1 tại 6.343 USD/tấn.
Nickel LME tăng mạnh nhất trên sàn giao dịch, tăng vọt 3,7% lên 12.700 USD/tấn, tăng mạnh nhất một ngày kể từ tháng 8/2019 và phục hồi từ mức thấp nhất 8 tháng trong ngày 28/2.
Giá cũng được hỗ trợ sau khi nhà sản xuất nickel hàng đầu Indonesia báo cáo trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên, cho thấy tình trạng không chắc chắc về nguồn cung quặng.
Quặng sắt tăng mạnh sau 4 ngày giảm liên tiếp
Giá quặng sắt của Trung Quốc tăng trong phiên qua do dự trữ đang giảm tại các cảng cho thấy nhu cầu nguyên liệu thô này của các nhà máy thép đang cải thiện, trong khi kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tung ra thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế đã tê liệt.
Quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 5,8% lên 653 CNY (93,7 USD)/tấn, sau khi đạt mức tăng giới hạn một ngày 6% một thời gian ngắn trước khi đóng cửa. Giá quặng sắt trên sàn giao dịch Singapore tăng khoảng 5,6%.
Hoạt động sản xuất và xây dựng tại Trung Quốc đang dần khôi phục sau đợt nghỉ Tết kéo dài, các nhà máy dừng hoạt động và đi lại hạn chế nhằm ngăn sự bùng phát của virus corona.
Nhu cầu thép có thể tăng hơn nữa do kỳ vọng Trung Quốc sẽ tung ra thêm các biện pháp kích thích, sau khi hoạt động của nhà máy tại đây giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng trước bởi dịch bệnh.
Nhưng vẫn còn đó nghi ngờ rằng đã qua hay chưa điều tồi tệ nhất đối với Trung Quốc, nơi chiếm hơn một nửa sản lượng thép thế giới và khoảng một nửa nhu cầu tổng thể.
Các nhà phân tích của Nomura cho rằng chính sách hạn chế của Trung Quốc và sự cân bằng tình trạng thanh toán đang xấu đi, cùng với các yếu tố khác có thể ngăn cản Bắc Kinh mạnh tay tung ra các biện pháp kích thích lớn.
Theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome, dự trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc giảm xuống 126,95 triệu tấn tính tới ngày 28/2, từ 128,6 triệu tấn trong ngày 21/2.
Thép cây trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 2%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 2,6%. Thép không gỉ tăng 1%.
Cao su tăng do hy vọng kích thích để chống lại thiệt hại từ virus
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tăng 0,3 JPY lên 172,5 JPY/kg, trong bối cảnh hy vọng các ngân hàng trung ương toàn cầu thực hiện kích thích để giảm thiệt hại tới kinh tế từ sự bùng phát của virus corona.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 tại Thượng Hải tăng 1,2% lên 10.990 CNY/tấn.
Ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc ngân hàng Nhật Bản cho biết ngân hàng này sẽ thực hiện các bước cần thiết để ổn định các thị trường tài chính.
Đường giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần
Đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 2,2% xuống 13,83 US cent/lb, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần tại 12,77 US cent.
Tổ chức đường Thế giới đã dự báo thiếu hụt 9,44 triệu tấn trong niên vụ 2019/20, thâm hụt lớn nhất trong 11 năm.
Ngân hàng Commerzbank cho biết một loạt các nhà theo dõi thị trường đã dự tính thiếu hụt tiếp diễn trong niên vụ 2020/21, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 giảm 1,1% xuống 392,4 USD/tấn.
Giá gừng có thể vẫn cao cho tới đầu tháng 4
Do kết hợp của Tết Nguyên đán tại Trung Quốc và quan trọng hơn là vấn đề virus corona hiện nay, nguồn cung gừng tại Trung Quốc dự kiến sẽ thiếu hụt trong tháng 3 và kéo dài hơn đối với những quốc gia như Châu Âu có thời gian đặt hàng dài hơn.
Một số nhà máy đã trở lại hoạt động vào ngày 16/2 với công suất ban đầu bị hạn chế do tình trạng thiếu hụt lao động. Các nhà cung cấp ở Trung Quốc nói rằng công nhân vẫn phải ở nhà do virus corona. Khu vực trồng gừng không nằm ở Vũ Hán, Hà Bắc nơi bùng phát dịch corona. Hơn nữa tất cả gừng vụ mới đã được thu hoạch lưu kho trong tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2019, trước khi bệnh dịch bùng phát. Ngoài ra sản lượng gừng vụ năm nay dự kiến giảm từ 10 - 20% so với vụ năm ngoái.