Thêm một nước EU tuyên bố sẵn sàng thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble
Sau Slovakia, Hungary là nước thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) tiếp theo phản đối việc hạn chế nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga, đồng thời khẳng định sẵn sàng chấp nhận thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble nếu cần thiết.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6/4, sau khi điệm đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố rằng nếu Nga yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble thì nước này sẵn sàng chấp thuận.
Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Hungary có phần đi ngược lại với chủ trương chung của các nước EU khi khối này lên án gay gắt sắc lệnh yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble của ông Putin và lên kế hoạch sớm tẩy chay nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Thủ tướng Hungary Orban nêu rõ Hungary phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU đối với năng lượng Nga và sẽ không nhượng bộ trước áp lực liên quan tới các hạn chế đối với nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga.
Cùng ngày 6/4, Ngoại trưởng Peter Szijjarto cũng chỉ rõ rằng EU "không có vai trò gì" trong thỏa thuận cung cấp khí đốt giữa nước này với Nga, vốn dựa trên hợp đồng song phương giữa các đơn vị của tập đoàn quốc doanh Hungary MVM và Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom.
Theo Thủ tướng Hungary Orban, 85% khí đốt và 64% lượng dầu mỏ của Hungary là nhập khẩu từ Nga. Vì vậy, ông sẽ không cho phép các gia đình Hungary phải trả giá cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ông Orban cho rằng việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng và dầu khí sẽ là gánh nặng lớn đối với Hungary nởi nền kinh tế của nước này không thể vận hành nếu không có dầu và khí đốt.
Mới đây, Slovakia, nước nhập khẩu 85% nhu cầu khí đốt từ Nga, tuyên bố nước này sẵn sàng trả tiền mua khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng ruble nếu cần thiết.
"Nguồn cung cấp khí đốt không thể bị ngừng lại. Do đó, mặc dù điều này nghe có vẻ quá thực dụng đối với một số người. Nếu có điều kiện thanh toán bằng đồng ruble, chúng tôi sẽ trả bằng đồng ruble", Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik phát biểu hồi cuối tuần qua.
Quan chức này nhấn mạnh lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga chiếm khoảng 85% tổng nguồn cung khí đốt của Slovakia, vì thế các nhà chức trách sẽ giữ quan điểm thực tế về vấn đề này.
Cũng theo ông Sulik, mặc dù việc đa dạng hóa nguồn cung khí đốt có lợi cho nước này song sẽ mất vài năm để đạt được mục tiêu đó.
Xem thêm >> ADB: GDP Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2022, 6,7% trong năm 2023