Thay đổi tư duy tiếp cận với thị trường Trung Quốc
Việt Nam hiện chỉ có 9 loại trái cây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, trong khi Thái Lan có 22 loại.
Hoa quả Việt Nam khi nhập khẩu vào Trung Quốc đang phải kiểm tra 100%, trong khi hoa quả nhập từ Thái Lan chỉ phải kiểm tra trực tiếp 30%.
Những năm trước đây, việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc khá dễ dàng, chủ yếu theo nhu cầu thị trường, thuận mua vừa bán và ngoài hoạt động xuất khẩu chính ngạch còn phổ biến buôn bán tiểu ngạch. Thế nhưng, vài năm gần đây, phía Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và siết chặt buôn bán tiểu ngạch.
Là nước xuất khẩu hàng đầu khối ASEAN vào Trung Quốc nhưng đa phần trái cây Việt chỉ quanh quẩn các tỉnh thành giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc bằng con đường xuất khẩu biên mậu. Khi biên mậu tắc nghẽn do chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc thì trái cây Việt khốn đốn. Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia hay Philippines hầu như không bị ảnh hưởng nhiều nhờ chủ yếu xuất chính ngạch. Thêm vào đó, Việt Nam hiện chỉ có 9 loại trái cây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, trong khi Thái Lan có 22 loại.
Điểm yếu cố hữu
Nói về một trong những hạn chế của ngành công thương, mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thừa nhận là vấn đề ách tắc nông sản xuất khẩu ở các cửa khẩu biên giới phía bắc. Theo ông Hải, dù đây là vấn đề đã lặp lại nhiều năm, đã cảnh báo nhiều, nói nhiều song vẫn diễn ra nhiều và khó chấm dứt một sớm một chiều.
Bộ Công thương nhận định, nhiều nông sản Việt Nam chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch). Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và công tác đàm phán về thuế nhập khẩu đã hoàn tất, nhiều nông sản đã được hưởng thuế nhập khẩu 0% khi xuất vào Trung Quốc, nhưng đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa còn chậm nên tới nay mới có 9 loại trái cây của ta được chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng (bao gồm hạ tầng thương mại, logistics) cửa khẩu biên giới đường bộ chưa được đầu tư nâng cấp theo kịp nhu cầu và quy mô thương mại song phương.
Nói như vậy là nhìn tổng thể thì về cả “hình thức” (phương thức vận chuyển) và “nội dung” (chất lượng) của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc đều còn hạn chế lớn.
Khẳng định đây là "điểm yếu cố hữu của sản xuất và xuất khẩu nông sản", Bộ Công Thương cho biết thêm, trong số hàng hóa đang ùn tắc tại biên giới phía Bắc, lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức “tiểu ngạch” lớn hơn nhiều so với lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức “chính ngạch” qua cửa khẩu quốc tế. Việc không đủ điều kiện để xuất “chính ngạch” cũng giải thích vì sao các hình thức vận chuyển khác như đường biển, đường sắt rất thuận lợi nhưng rất ít thương nhân Việt Nam có thể tận dụng được.
Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, bao gồm thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt.
Tắc còn dài nếu không thay đổi
Chính ngạch vẫn được khuyến nghị là con đường phải đi để thay đổi thực tế. Nhưng đó là con đường khó bởi xuất nhập khẩu tiểu ngạch luôn là hình thức được lựa chọn hàng đầu của thương nhân Trung Quốc vì thuế suất thấp, thủ tục dễ dàng. Còn việc nông dân Việt Nam đáp ứng bất kể điều kiện gì để bán được hàng cũng là lý do khiến thói quen làm ăn tiểu ngạch ăn sâu.
Chúng ta nói phải đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thì sẽ giảm ùn tắc nhưng hiện nay mới chỉ có 9 loại hoa quả của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nên nhiều doanh nghiệp dù muốn cũng đành chịu.
Ùn tắc xe chở hàng ở cửa khẩu (Ảnh: Baochinhphu.vn).
Nói thêm về vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, một trong các nguyên khiến hoa quả Việt Nam ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc là phải kiểm dịch 100%, trong khi hoa quả của Thái Lan chỉ phải kiểm dịch 30%.
Mấu chốt là bởi sự đầu tư của người nông dân chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nhập khẩu. Do vậy, nếu sản xuất ra mà dư thừa thì lại phải trông chờ vào sự hỗ trợ của thị trường nội địa. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói “Cá nhân tôi nghĩ chỉ khi nào doanh nghiệp lớn tham gia, đứng vào chuỗi sản xuất, lo từ đầu ra, giống má, cùng nông dân làm ra sản phẩm, đạt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu thì mới có thể tiêu thụ bền vững. Nếu không e là chúng ta vẫn phải chứng kiến cảnh ùn ứ như hiện nay”.
Chuyển sang chính ngạch sẽ phải mất thời gian, công sức, nhưng đó là cách làm bền vững, lâu dài. Trong số các container phải chờ đợi ở cửa khẩu Hữu Nghị, có không ít container chứa trái cây Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam để sang Trung Quốc. Theo quy định, hàng quá cảnh bắt buộc phải đi qua cửa khẩu quốc tế, vậy tại sao hàng Thái Lan đi qua cửa khẩu quốc tế (chính ngạch), không được ưu đãi về thuế phí như đi qua cửa khẩu phụ (tiểu ngạch) mà họ vẫn có thể bán được. Đó là điều chúng ta cần phải nghiêm túc suy nghĩ.
Trung Quốc chắc chắn sẽ không còn là một thị trường dễ tính như trước kia. Theo nhiều ý kiến dự báo, chỉ 3-5 năm nữa thôi, Trung Quốc sẽ đưa hoạt động thương mại biên mậu theo đường tiểu ngạch về đúng bản chất của nó là “trao đổi cư dân biên giới”, nhằm mục đích cải thiện đời sống người dân hai bên. Vì vậy, nếu doanh nghiệp coi thị trường Trung Quốc giống như thị trường Nhật Bản hay EU và có cách tiếp cận, tầm nhìn cũng như cách xử lý khác thì mọi việc sẽ đơn giản. Còn nếu doanh nghiệp vẫn giữ kinh nghiệm, nhận thức và tiếp cận thị trường với một con mắt của 10-20 năm trước thì chắc chắn là sẽ để mất đi một thị trường lớn.
Lệnh 248 và 249 mới có hiệu lực từ đầu năm nay đặt ra thêm quy định về đăng ký doanh nghiệp và mặt hàng xuất khẩu vào Trung Quốc. Dù có mặt trái của nó nhưng cũng chính những quy định như vậy sẽ buộc doanh nghiệp của chúng ta phải làm ăn quy củ hơn, ngay từ khâu sản xuất, thương mại cho đến logistics.
Xuất khẩu bằng chính ngạch sang Trung Quốc là lựa chọn tất yếu, không thể khác. Nghe thì đầy khó khăn và dài lắm nhưng chúng ta buộc thay đổi để đi xa. Và để thực hiện được phải đi bằng chất lượng, bằng nội lực của nông sản Việt.
Về phía cơ quan chức năng như Bộ Công Thương cho biết đang tích cực vận động phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để mở cửa thị trường sớm cho các mặt hàng nông, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, tổ yến, khoai lang tím, thủy hải sản tươi sống, sản phẩm sữa các loại...
Thiết nghĩ, những điều cảnh báo nói trên không phải các doanh nghiệp, thương lái của chúng ta không biết. Nhưng có phải là do họ ngại thay đổi hay là do họ không biết nếu thay đổi thì phải làm gì, bắt đầu từ đâu... Hoặc cũng có thể thiếu một động lực, một áp lực để buộc mình phải thay đổi?!
Như vậy, để không còn cảnh ‘tắc hàng’ sang Trung Quốc trầm trọng như đang xảy ra, những giải pháp đơn lẻ mang tính tình thế sẽ không giải quyết được triệt để. Nỗ lực của từng bộ ngành hay doanh nghiệp đơn lẻ không thay đổi được “căn bệnh trầm kha” này. Sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp, người nông dân mới có thể thay đổi được tình cảnh thường xuyên lặp lại này.