A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguồn lực quan trọng cho các mục tiêu “tăng trưởng xanh”

Nguồn vốn cho “chuyển đổi xanh” để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường lớn, như: châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và châu Úc đang là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản... Hai “nút thắt” khiến doanh nghiệp loay hoay trong chuyển đổi xanh hiện nay vẫn là bài toán hiệu quả kinh tế và chi phí đầu tư.

Cần nguồn vốn lớn để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng xanh

Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng giảm phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050. Ðể hiện thực hóa mục tiêu này, ngày 1/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 cũng đã được ban hành để đảm bảo Chiến lược thực hiện đúng lộ trình.

Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực tài chính rất lớn. Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ước tính để giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần khoảng 330 - 370 tỷ USD. Còn theo ước tính của cơ quan chuyên môn, nhu cầu tài chính cho lĩnh vực môi trường đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 68,75 tỷ USD để thực hiện các cam kết môi trường (trong đó, nguồn lực quốc gia đáp ứng khoảng hơn 24,7 tỷ USD, còn lại huy động hỗ trợ từ quốc tế).

Còn Báo cáo Phát triển và Khí hậu quốc gia cho Việt Nam giai đoạn 2022 – 2025 được thực hiện bởi World Bank cho thấy, nhu cầu huy động vốn của Việt Nam đến năm 2040 phục vụ hành động về khí hậu ước tính là 368 tỷ USD, trong đó 184 tỷ USD hoặc khoảng 6,8% GDP mỗi năm. Chi phí cho mục tiêu “Zero carbon” chủ yếu phát sinh từ khu vực năng lượng, đầu tư vào năng lượng và quản lý quá trình chuyển đổi sản xuất xanh… sẽ đến từ khu vực tư nhân.

Thời gian qua, tuy “tăng trưởng xanh” chưa thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế quốc gia, nhưng “tăng trưởng xanh” đã đặt “nền tảng” và đạt nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam cũng đang nỗ lực cải cách thể chế, xây dựng các chính sách ưu đãi để huy động nguồn lực từ các khu vực kinh tế, tạo đột phá cho “tăng trưởng xanh”.

Khơi thông dòng vốn xanh

Việc huy động “tài chính xanh” trở nên cấp thiết hơn để chuyển hướng các ưu tiên đầu tư cho “hạ tầng xanh”, “năng lượng xanh”. Tín dụng từ ngân hàng là nguồn lực rất quan trọng cho các mục tiêu “tăng trưởng xanh”, giai đoạn 2017 - 2023, tốc độ tăng trưởng “tín dụng xanh” đạt khoảng 22% mỗi năm, riêng năm 2023, tốc độ này tăng 24%. Hiện có khoảng 50 tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia cấp “tín dụng xanh”.

Trong bối cảnh hiện nay, việc hoàn thiện các chính sách về bảo lãnh tín dụng và huy động vốn là yếu tố then chốt để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan sớm phân loại nhu cầu vốn và mô hình doanh nghiệp theo từng ngành hàng, quy mô hoạt động để thiết kế chính sách “đúng và trúng”. Không thể áp dụng một chính sách chung cho mọi doanh nghiệp trong bối cảnh đặc thù và điều kiện tài chính rất khác nhau.

Ngành nông nghiệp là một trong những lĩnh vực cần nhanh chóng “chuyển đổi xanh” để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu nhưng hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ và hộ nông dân vẫn khó tiếp cận tín dụng vì không có tài sản bảo đảm, không biết xây dựng kế hoạch kinh doanh khả thi.

Trước thực trạng đó, phát triển các mô hình hợp tác xã hoặc liên kết sản xuất để tập trung nhu cầu vốn và nâng cao khả năng vay mượn thông qua cơ chế bảo lãnh tín chấp là cần thiết, thay vì từng hộ kinh doanh tự đứng ra vay vốn, các hợp tác xã có thể đại diện cho nhiều hộ, từ đó tăng tính tín nhiệm và khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Tuy nhiên, việc phát triển các chuỗi liên kết cần được hướng dẫn thực hiện bài bản, đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia thì mới đảm bảo thành công, từ đó ngân hàng mới dám cho vay.

Dữ liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 31/12/2024 cho thấy, dư nợ “tín dụng xanh” của hệ thống ngân hàng cả nước đạt 679 nghìn tỷ đồng, tăng 9,37% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ lệ trên 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

“Tín dụng xanh” của các TCTD hiện chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và “nông nghiệp xanh” (chiếm gần 30% tổng dư nợ tín dụng xanh)… Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục mở rộng “tín dụng xanh” để hướng đến xây dựng “ngân hàng xanh”, hỗ trợ cho “tăng trưởng xanh”.

untitled-1.jpg

Tuy nhiên, thực tế còn một số khó khăn liên quan đến việc thúc đẩy “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, đầu tư vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon được chỉ ra là: Các bộ, ngành chưa ban hành bộ tiêu chí về “danh mục xanh” trong phạm vi ngành mình, do vậy hệ thống ngân hàng chưa có cơ sở để đánh giá đầy đủ dữ liệu quy mô hoạt động “tín dụng xanh” đối với nền kinh tế.

Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, ngành sản xuất, tiêu dùng ít carbon đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, các TCTD gặp khó khăn trong việc cân đối vốn và đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an toàn, đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định.

Nhu cầu vốn cho Chiến lược “tăng trưởng xanh” quốc gia giai đoạn từ năm 2021 - 2030 là rất lớn, trong khi các nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư từ thị trường tài chính, thị trường tín chỉ carbon còn chưa phát triển hoặc chưa triển khai sẽ gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng… Chính vì vậy, Việt Nam cần chuyển hướng chiến lược có trọng tâm hơn để đạt các mục tiêu “tăng trưởng xanh”. Cụ thể, Chính phủ cân nhắc phát hành “Trái phiếu Chính phủ xanh” để làm hình mẫu, cung cấp cơ sở “nền tảng” cho sự phát triển của thị trường trái phiếu dán nhãn trong nước. Ngoài ra, sự hợp tác quốc tế trong mạng lưới tài chính bền vững nhằm thúc đẩy thị trường tài chính bền vững.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết