Ngành Ngân hàng Khu vực 15: Đẩy mạnh tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm thủy sản
Nông, lâm, thủy sản luôn được ngành Ngân hàng Khu vực 15 xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên đầu tư nguồn vốn. Việc tích cực triển khai cung ứng vốn tín dụng ưu đãi phục vụ ngành nông, lâm, thủy sản là cam kết đồng hành tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thực hiện sứ mệnh phục vụ phát triển “Tam nông” phát huy vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Năm 2025, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng trên địa bàn khu vực cũng đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đến đa lĩnh vực, ngành nghề và đối tượng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, khách hàng cá nhân… với tổng quy mô đạt 69.921 tỷ đồng, tăng 0,85% so cuối năm 2024, chiếm 15,5% tổng dư nợ tín dụng địa bàn Khu vực 15.
Cụ thể, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 269.980 tỷ đồng, tăng 1.798 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,67% so cuối năm 2024, chiếm 59,8% tổng dư nợ tín dụng địa bàn. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 53.135 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng dư nợ tín dụng, dư nợ tín dụng lĩnh vực xuất khẩu đạt 19.863 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng dư nợ; dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 30 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (quy mô hiện nay là 60 nghìn tỷ đồng, với 15 ngân hàng thương đăng ký tham gia, tiếp tục nâng quy mô lên 100 nghìn tỷ đồng và mở rộng đối tượng, phạm vi tham gia thành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã giải ngân cho vay 2.423 lượt khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản cũng có thể tham gia vay vốn ưu đãi theo các chương trình này.
Không chỉ mở rộng quy mô vốn tín dụng ưu đãi, ngành Ngân hàng Khu vực 15 còn chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp với tổng dư nợ tín dụng đạt 13.129 tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Ông Trần Văn Phước, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 chia sẻ, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khu vực đơn giản hóa thủ tục vay vốn thông qua chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong công tác tín dụng, giúp khách hàng trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có thể tiếp cận nguồn vốn một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Chính vì thế, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Khu vực 15 xác định cho vay nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là lĩnh vực được ưu tiên và luôn được dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn qua việc đồng bộ triển khai nhiều giải pháp để tạo nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ khách hàng.
“Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là tiền đề quan trọng để xây dựng hệ thống nông nghiệp xanh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch có bước phát triển đột phá, mạnh mẽ, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp bộ, ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn về cơ chế chính sách; phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong tiêu thụ nông sản; khoa học công nghệ… ngành Ngân hàng Khu vực 15 cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, tiên tiến”, ông Phước cho biết.
Hiện nay, ngành Ngân hàng Khu vực 15 cố gắng vừa giữ mặt bằng lãi suất thấp vừa kích cầu vay vốn trong giai đoạn hiện nay. Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và điều quan trọng nữa là chính quyền và ngân hàng cần có thêm nhiều “phương án mềm” khác để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu có giải pháp linh hoạt trong hoạt động đầu tư và kinh doanh để giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu giảm thiểu rủi ro, đặc biệt trước sự biến động của chính sách thuế quan từ thị trường Mỹ.
Thông qua đó, các doanh nghiệp có thêm nhiều nguồn lực giúp mở rộng thị trường tránh phụ thuộc vào một thị trường, đồng thời, nâng cao nội lực nhằm duy trì sự ổn định và khả năng thích ứng từ việc đa dạng hóa thị trường, đầu tư mở rộng sản xuất tại nước ngoài, cho đến việc áp dụng các mô hình kinh doanh mới, sự sáng tạo và kỹ năng thích ứng sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn ra thế giới thành công.