A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành gỗ: Hiện thực hoá mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD

Để hoàn thành mục tiêu đưa tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ lên 20 tỷ USD vào năm 2025, không chỉ các DN, mà các cơ quan quản lý cũng cùng vào cuộc với những chiến lược, giải pháp cụ thể.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, các thị trường xuất khẩu lâm sản chính trong năm 2019 là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu ước đạt 9,71 tỷ USD, chiếm 86,5% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản.  Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng tới 34,5% trong năm 2019. Xếp thứ hai là Nhật Bản, năm 2018 chiếm 13,2% trong tổng kim ngạch, thì năm 2019 cũng chiếm thị phần tương đương…

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ triển khai các chương trình, đề án đã được Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu. Triển khai tốt Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).

Mặc dù đang có mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng để hiện thực được mục tiêu cho ngành gỗ đạt giá trị xuất khẩu 20 tỷ USD trong năm 2025 và để Việt Nam xây dựng được thương hiệu cũng như trở thành trung tâm của ngành gỗ thế giới thì còn rất nhiều việc phải làm. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, ngành gỗ phải có những thay đổi căn bản. Bên cạnh đó, nhà nước phải có chiến lược phù hợp cho ngành gỗ phát triển, có thể đặt là ngành kinh tế mũi nhọn, một ngành mang lại xuất siêu cao 65%. Đồng thời DN phải định vị lại được tình trạng DN đang ở trạng thái nào, bỏ đi sự tự mãn, tự ti, hẹp hòi, mở rộng cánh tay để nối dài sức mạnh, coi việc “buôn có bạn, bán có phường” như là phương châm để phát triển DN trong tình hình mới.

Để ngành gỗ phát triển bền vững, thì vấn đề căn cơ là chúng ta phải giải quyết được bài toán nguyên liệu. Trong đó phải bảo đảm ngành gỗ sử dụng nguyên liệu hợp pháp, có các chứng chỉ rõ ràng và được công nhận trên thế giới. Để mục tiêu đạt 20 tỷ USD, tương ứng với khoảng 50 triệu m3 quy tròn, trong khi lượng cung 2018 mới đạt 28 triệu m3. Theo đó trong thời gian tới phải tạo cơ chế thu hút nhiều nhà đầu tư. Thực hiện việc tái cấu trúc lại các công ty lâm nghiệp dựa trên nền tảng cổ phần hóa để phát huy mọi nguồn lực đầu tư của xã hội. Bên cạnh đó, phải tạo ra những trung tâm chợ gỗ lớn. Hiện tại chỉ có một trung tâm phân phối gỗ ở Đồng Nai (TAVICO), và một số nhà cung ứng gỗ khác ở phía Bắc và phía Nam. Nhà nước cần dành quỹ đất có chính sách giá hợp lý. Do đó, chúng tôi đề nghị xây dựng 5 trung tâm đồ gỗ lớn của cả nước: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định và Nghệ An. Từ đó tạo đòn bẩy, cú huých cho các DN, nhà đầu tư vào phát triển ngành gỗ.

Ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh, bên cạnh vấn đề nguyên liệu, chúng ta cần có các giải pháp về công nghệ kỹ thuật trong chế biến, xuất khẩu hiện đại nhất, bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp hiện tại. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và thị trường. Hiện nay ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan đến ngành gỗ chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá thành sản phẩm (cao hơn cả chi phí về nguyên liệu gỗ: gỗ chỉ chiếm khoảng 30-35%). Trong nhu cầu và thị hiếu của thị trường thế giới hiện nay, khi nguyên liệu chủ yếu là gỗ nhân tạo, gỗ rừng trồng (cao su, keo) thì giá trị của sản phẩm hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào vật liệu phụ. Trong tình hình hiện tại, công nghiệp phụ trợ có liên quan đến ngành gỗ vừa yếu, vừa thiếu (phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu). Trong lĩnh vực này, liên kết dọc giữa các nhà sản xuất với các nhà cung ứng vật liệu phụ đang rất rời rạc và manh mún. Hiện tại, đây đang là khâu yếu nhất trong chuỗi liên kết sản xuất, làm mất đi khả năng cạnh tranh của các DN (vì phải chi phí rất lớn cho các hãng sản xuất nước ngoài). Bởi vậy để giảm bớt khó khăn trong ngành gỗ và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành gỗ, cần phải có nhiều chính sách để thúc đẩy  ngành công nghiệp phụ trợ...

Có thể thấy, để giải bài toán thách thức đối với ngành gỗ hiện nay đòi hỏi các DN phải nỗ lực trong việc đổi mới từ công nghệ, phương thức đến kết nối thị trường. Các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với ngành gỗ nhằm tạo ra sự bứt phá trong sản xuất kinh doanh của toàn ngành gỗ để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD trong năm 2025.

Nguyễn Minh

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan