A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành công nghiệp tỷ đô được Mỹ rất quan tâm, dành 5.800 tỷ đồng để phát triển tại Việt Nam

Các công ty Hoa Kỳ thuộc nhiều lĩnh vực đang hướng tới thị trường Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp này.

Ngành công nghiệp tỷ đô được Mỹ rất quan tâm, dành 5.800 tỷ đồng để phát triển tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hoa Kỳ muốn phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam

Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ 2023 do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, chính quyền các Bang Oregon và Colorado, Hoa Kỳ tổ chức, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để khởi động những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Đại diện phái đoàn Hoa Kỳ, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, các công ty Hoa Kỳ thuộc nhiều lĩnh vực đang hướng tới thị trường Việt Nam, nhất là lĩnh vực đầu tư bán dẫn và khai khoáng. Hiện, chính phủ Hoa Kỳ đã xây dựng kế hoạch hoành động chi tiết nhằm tăng khả năng phục hồi ngành, chất bán dẫn.

Theo đó, Chính phủ nước này đã thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn trên toàn cầu có giá trị 100 triệu USD. Cũng trong khuôn khổ này, Hoa Kỳ sẽ đánh giá về năng lực phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam làm cơ sở để xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, khai khoáng.

Ngành công nghiệp tỷ đô được Mỹ rất quan tâm, dành 5.800 tỷ đồng để phát triển tại Việt Nam - Ảnh 2.

Việt Nam là cơ sở thành công nhất của Intel trên toàn cầu

Liên quan đến vấn đề này, ông Ace Wilson, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Intel Việt Nam cho biết, Intel đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Tính từ năm 2010 đến nay, tập đoàn đã xuất khẩu 80 tỷ USD. Riêng trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Intel dự kiến đạt 10 - 11 tỷ USD.

Đặc biệt, có đến 70% sản lượng chip Intel sản xuất phục vụ khu vực đến từ nhà máy Intel tại Việt Nam. Hiện tập đoàn đang có chiến lược đa dạng hoá nhà máy tại nhiều quốc gia. Gần đây nhất, tháng 6/2023 tập đoàn đã có quyết định đầu tư nhà máy sản xuất tại Đức với tổng vốn đầu tư khoảng 33 tỷ USD. Đây như một phần nỗ lực mở rộng hoạt động sản xuất chất bán dẫn tại châu Âu. Trong thời gian tới, Intel cam kết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư hơn nữa tại Việt Nam.

Ông Daniel Nguyen, Phó Chủ tịch Ủy ban về Phát triển Kinh tế và Doanh nghiệp nhỏ, Thành viên Ủy ban bán dẫn Hạ viện bang Oregon chia sẻ, Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển chất bán dẫn.

Hiện Hoa Kỳ đã rà soát lại khung pháp lý của Việt Nam và đã dành khoản đầu tư 240 triệu USD (hơn 5.822 tỷ đồng) để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái chất bán dẫn. Trong đó có 40 triệu USD (970,4 tỷ đồng) được dành riêng để đầu tư vào dự án mới liên quan đến lĩnh vực này.

Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, doanh thu chip bán dẫn toàn thế giới năm 2022 là khoảng 556 tỷ USD. Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn cầu. Việt Nam hiện cũng đang tích cực tham gia vào ngành công nghiệp tỷ đô này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn và một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi.

Ngành công nghiệp tỷ đô được Mỹ rất quan tâm, dành 5.800 tỷ đồng để phát triển tại Việt Nam - Ảnh 3.

Dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc của Công ty Hana Micron Vina tại khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang.

Chính phủ Việt Nam rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam; đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành xây dựng chiến lược, chương trình hành động để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.

Cùng với đó, Việt Nam đã và đang xây dựng được ngành công nghiệp điện tử đủ lớn ở trong nước cũng như thu hút ngày càng nhiều các đơn vị sản xuất điện tử lớn. Đây là thị trường trực tiếp của công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cũng có một lực lượng lao động tốt trong các mảng kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn.

Việt Nam đang có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, FPT, CMC.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TPHCM, Hòa Lạc và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan