Ngân hàng tuần qua: Loạt nhà băng tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm 2022
Trong tuần vừa qua, Vietbank, VietinBank, VPBank và SeABank đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 dự kiến trình ĐHCĐ thường niên năm 2022.
SeABank (SSB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng gần 50%
Năm 2022, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á SeABank (HoSE: SSB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.866 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng gần 50% so với năm 2021.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay cao hơn nhiều so với thực hiện năm trước. Năm 2021, SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận 2.414 tỷ đồng, tăng trưởng 39,6% và kết quả hoàn thành gần 135% kế hoạch đề ra, đạt 3.268 tỷ đồng.
Về hoạt động tín dụng năm 2022, nhà băng này định hướng tăng trưởng tối đa 17%, tương đương tăng thêm 24.000 tỷ đồng so với 2021, chất lượng nợ kiểm soát với nợ xấu thấp hơn 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Về huy động vốn, năm nay ngân hàng dự kiến tăng trưởng 16%, tương đương thêm 22.000 tỷ (gồm cả tiền gửi khách hàng, giấy tờ có giá và huy động từ tổ chức). Tổng tài sản dự kiến tăng 10%.
SeABank dự kiến sẽ xin đại hội cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị ngân hàng quyết định việc tăng vốn, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa và đàm phán, lựa chọn, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hủy 9 đợt bán trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh: VietinBank lên tiếng
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) trong tuần qua đã ra thông cáo báo chí liên quan đến 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh mà Ủy ban chứng khoán đã có quyết định hủy. Theo đó, VietinBank khẳng định không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không thực hiện dịch vụ phân phối các lô trái phiếu trên.
VietinBank cũng cho hay ngân hàng thực hiện cung ứng dịch vụ quản lý tài khoản và quản lý tài sản cho các đợt phát hành trái phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông với tổng số tiền 6.530 tỷ đồng.
Đối với dịch vụ quản lý tài khoản, VietinBank cũng cho biết ngân hàng này cung ứng dịch vụ mở tài khoản để phục vụ việc nhận và thanh toán cho các nghĩa vụ của tổ chức phát hành liên quan đến trái phiếu theo hợp đồng giữ, quản lý tài khoản trái phiếu và theo quy định của pháp luật.
Đối với quản lý tài sản, VietinBank chỉ có trách nhiệm quản lý hồ sơ tài sản bảo đảm, kiểm tra, theo dõi tình trạng tài sản bảo đảm và đại diện cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng quản lý tài sản bảo đảm và theo quy định của pháp luật.
SHB bán khoản nợ liên quan đến dự án của Tân Hoàng Minh
Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) mới đây đã phát đi thông báo về việc bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Hạ tầng Cảnh quan Green - Art tại chi nhánh Vĩnh Phúc.
Theo đó, tài sản đảm bảo của khoản nợ này là toàn bộ các quyền tài sản, tài sản và lợi ích khác thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty Cổ phần hạ tầng cảnh quan Green – Art phát sinh từ Hợp đồng mua bán bất động sản ký giữa Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh và Công ty Cổ phần hạ tầng cảnh quan Green – Art và các Phụ lục/sửa đổi bổ sung Hợp đồng này về việc mua bán 45 căn hộ chung cư thuộc các tòa chung cư nằm trong dự án Khu nhà ở phía Đông hồ Nghĩa Đô (đường Nguyễn Văn Huyên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Giá và phương thức mua bán nợ theo SHB là theo phương thức thoả thuận, không tiết lộ cụ thể. Thời gian tổ chức thực hiện bán nợ là trong tháng 4 này.
Được biết, dự án trên có tên thương mại là D’PALAISDELOUIS, toạ lạc đối diện công viên Nghĩa Đô. Dự án do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào tháng 10/2009.
VietinBank muốn dùng 9.600 tỷ lợi nhuận còn lại của năm 2021 để chia cổ tức
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) trong tuần qua đã công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, VietinBank cho biết lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2021 của ngân hàng là 13.622 tỷ đồng. Sau khi trích các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng phúc lợi, lợi nhuận còn lại của ngân hàng là 9.624 tỷ đồng. VietinBank muốn dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại này để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Năm 2022, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng từ 5-10%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Nguồn huy động từ TCKT và dân cư tăng 8-10%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 1,8%.
Ngân hàng cũng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của NHNN. Theo đó, lợi nhuận năm 2022 của VietinBank có thể đạt trên 19.300 tỷ đồng.
VPBank lên kế hoạch lãi 'khủng' gần 30.000 tỷ, thưởng cổ phiếu 50%, bán 15% vốn cho nước ngoài
Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 công bố trong tuần qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) lên kế hoạch tổng tài sản năm 2022 tăng 27% lên 697.413 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 28% lên 413.060 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 35% lên 518.440 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2022 đạt 29.662 tỷ đồng, tăng tới 107% so với năm 2021.
VPBank cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ "khủng". Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành dự kiến 50%, tức là mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 500 cổ phiếu mới.
Ở đợt tăng vốn thứ hai, VPBank sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, từ đó nâng vốn điều lệ lên 79.334 tỷ đồng.
VPBank cũng xin ý kiến cổ đông về việc nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc phần lớn (trên 90%) vốn điều lệ Công ty Cổ phần Bảo hiểm OPES. Giá mua dự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách của OPES.
Đặc biệt, VPank muốn góp vốn bổ sung vào công ty con là Công ty Chứng khoán ASC với tổng mức đầu tư/góp vốn tối đa lên tới 15.000 tỷ đồng.
Vietbank: Mục tiêu lãi năm 2022 gần 1.100 tỷ, nâng tài sản năm 2025 lên 300.000 tỷ
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB) trong tuần qua đã công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2022, trong đó tổng tài sản dự kiến tăng gần 29% so với đầu kỳ, lên mức 133.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 37,1% và 15%, đạt 102.000 tỷ đồng và 65.200 tỷ đồng trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
HĐQT VietBank cho biết, để thực hiện mục tiêu mở rộng quy mô tài sản lên 300.000 tỷ đồng đến năm 2025, ngoài lợi nhuận giữ lại để tăng vốn tự có, ngân hàng sẽ tăng ròng vốn tự có hàng năm 2.000 - 2.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đối với mục tiêu đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) trên 9%, Vietbank trong năm 2022 dự định tăng vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng; huy động vốn cấp 2 không đạt hoặc hết hạn mức cho phép thì vốn cấp 1 phải tăng thêm để bù đắp (tăng vốn cấp 1 từ lợi nhuận giữ lại và cổ đông góp mới).
HĐQT cũng cho biết, từ năm 2022 đến năm 2025, Vietbank sẽ tăng vốn điều lệ góp mới (không bao gồm lợi nhuận giữ lại), tối thiểu 1.000 tỷ đồng/năm.
Năm 2022, Vietbank dự kiến phát hành 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 21%, tức là cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ mua thêm 21 cổ phiếu phát hành thêm. Thời gian phát hành dự kiến từ quý III đến quý IV/2022.
Như vậy, khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng từ 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng.