Ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường trong hoạt động tín dụng
Làm thế nào để huy động được nguồn lực xã hội để xử lý nợ xấu? Việc quản trị, tổ chức điều hành tổ chức tín dụng cần những quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo…Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM hôm 1/8.
Tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản đảm bảo
Theo Luật sư Trần Đình Đức – Đoàn Luật sư TP.HCM, để huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực quốc tế vào xử lý nợ xấu, quy định của Luật phải rõ ràng. Ông Đức cho hay, cách đây mấy năm, có một nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhờ ông tư vấn về vấn đề mua nợ xấu.
Sau khi thẩm định, rà soát rất kỹ hồ sơ 1.000 món nợ xấu, trong đó có những khoản nợ kéo dài từ 3 năm đến 5 năm mà ngân hàng gần như không còn hy vọng thu hồi, nhà đầu tư quyết định rút lui.
Nguyên nhân là bởi, nhà đầu tư không biết liệu mình có quyền được kế thừa tất cả các quyền của bên bán nợ hay không? liệu bên mua nợ có được thu giữ tài sản đảm bảo không?... Không chỉ một mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tìm hiểu việc mua bán nợ xấu nhưng đều có một kết cục chung là rút lui. Đây là một thiệt thòi rất lớn của chúng ta.
Luật sư Trần Đình Đức cho rằng, hiện nay hệ thống pháp lý của chúng ta quá phức tạp, việc xử lý tài sản đảm bảo rất khó khăn, mất nhiều thời gian, thậm chí không thể xử lý được. Do vậy, quyền xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng cần phải đưa vào luật và phải được quy định rõ ràng. Đối với các giao dịch mua bán nợ xấu của nhà đầu tư nước ngoài nếu thấy còn băn khoăn thì cần có cơ chế kiểm soát, có như vậy mới thu hút được nguồn lực xã hội, nguồn lực quốc tế vào xử lý nợ xấu.
"Các nhà đầu tư đặt ra vấn đề là, liệu họ có được ủy quyền lại cho bên bán nợ là tổ chức tín dụng được tiếp tục là quản lý khoản nợ này, thu hồi nợ và thu giữ tài sản bảo đảm cho bên mua nợ hay không? Đây là một điểm rất mấu chốt. Do vậy mà bên mua nợ cần phải có quyền thu giữ. Tất nhiên, thực tế họ sẽ không làm, hoặc chúng ta có thể có cơ chế để họ phải ủy quyền lại cho tổ chức tín dụng cũng như là các tổ chức bán nợ, chứ không sẽ rất khó", Luật sư Trần Đình Đức chia sẻ.
Trong xử lý vấn đề nợ xấu, khoản 6, khoản 7, Điều 199 của Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, triển khai Nghị quyết 42 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang khiến ông Nguyễn Tạo – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng băn khoăn.
Theo ông Nguyễn Tạo, Nghị quyết 42 có những quy định đứng trên rất nhiều luật, có thời hạn đến tháng 12 năm 2023, nhưng Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng vẫn quy định trách nhiệm của Ngân hàng tiếp tục thực hiện cho đến khi xử lý hết nợ xấu.
Dự thảo Luật Đất đai, dự thảo Luật Kinh doanh Nhà ở, dự thảo Luật kinh doanh Bất động sản và một số dự thảo luật khác sắp tới có hiệu lực. Để tránh sự khác nhau trong quan điểm xử lý, ông Tạo kiến nghị Điều 199 của Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của Chính phủ, thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành trong xử lý nợ xấu. Còn nếu trách nhiệm này chỉ của ngân hàng, việc xử lý nợ xấu sẽ không bao giờ kết thúc.
Cần thiết chế ổn định hoạt động tín dụng
Một vấn đề nữa được Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đặt ra đối với Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, đó là tỉ lệ sở hữu cổ phần được quy định tại điều 53. Đây là quy định nhằm ổn định công tác quản trị, điều hành nhưng với việc quy định chia tỉ lệ % cổ phần đối với cổ đông lớn không có ý nghĩa với thực tiễn cuộc sống. Bởi, có thể trong một gia đình mỗi người có thể sở hữu vài % cổ phần, từ đó hoàn toàn có thể chi phối được hoạt động của tổ chức tín dụng, tạo nên sự không ổn định trong hoạt động điều hành, không giải quyết được tình trạng sở hữu chéo đang tồn tại trong thực tiễn hoạt động tín dụng.
Ông Nguyễn Tạo đề nghị cần phải có một thiết chế, cơ chế nhằm tạo sự ổn định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tránh tình trạng dòng vốn chỉ rót vào doanh nghiệp sân sau không đến được với đối tượng cần.
"Chúng ta phải suy nghĩ về cơ chế, chính sách làm sao để các cổ đông lớn thể hiện được sự đồng hành cùng phát triển tín dụng lành mạnh của đất nước. Đây là vấn đề quan trọng. Chứ không phải vì cục bộ, vì một nhóm lợi ích. Ví dụ như giảm cổ phần xuống 5%, nhưng 10 người trong một gia đình thì được 50% thì cũng như vậy thôi. Không giải quyết được vấn đề gì cả. Vẫn chỉ là hình thức", ông Nguyễn Tạo cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng-Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quản trị điều hành, chống thao túng, chống sở hữu chéo trong lĩnh vực tín dụng là vấn đề mà Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Đây là vấn đề rất khó, bởi trong thực tiễn, doanh nghiệp có liên quan đến nhau, cùng một chủ sở hữu nhưng khi thành lập, hồ sơ doanh nghiệp không liên quan đến nhau, nên cơ quan Nhà nước rất khó khẳng định được tình trạng sở hữu chéo.
Chính bởi vậy, một số quy định của Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng như: Tỉ lệ sở hữu cổ phần cũng là giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Tuy nhiên đây chưa phải là giải pháp căn cơ mà cần những giải pháp khác để ngăn chặn những hành vi cố ý làm trái quy định.
Riêng với vấn đề xử lý nợ xấu, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ có tổng kết Nghị quyết 42 để từ đó luật hóa quy định xử lý nợ xấu giúp hệ thống ngân hàng hoạt động trôi chảy hơn. Nợ xấu là hiện tượng liên tục trong hoạt động của ngân hàng. Khi đã vay thì phải trả, khi không trả được thì phải xử lý tài sản đảm bảo để trả cho tổ chức tín dụng.
"Giả sử không cho thu giữ tài sản đảm bảo mà cứ thực hiện theo các cái quy trình, thủ tục đến 3-5 năm mới xử lý được khoản nợ thì bây giờ các tổ chức tín dụng có khi họ cũng không cho vay. Bởi vì, tôi (tổ chức tín dụng) cho vay có tài sản đảm bảo nhưng không được thu giữ. Thế thì họ (tổ chức tín dụng) không cho vay thì sẽ tác động của quy định này như thế nào. Nếu không cẩn thận, quy định sẽ gây ách tắc trong hoạt động tín dụng", bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.