Lạm phát ở Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh
Một số nước đang ở đỉnh hoặc đã qua đỉnh lạm phát; trong khi đó lạm phát ở Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh và sẽ chịu áp lực trong những tháng cuối năm bởi yếu tố cầu kéo. Dự báo, năm nay lạm phát có thể ở mức 4% nhưng lạm phát năm tới có để từ 4% - 4,5% do Việt Nam có độ trễ, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp hiện vẫn đang ở mức cao.
CPI 9 tháng trong tầm kiểm soát nhưng…
Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết GDP quý III tăng trưởng ấn tượng, đạt 13,67% so với cùng kỳ năm trước - là mức tăng trưởng quý III cao nhất từ năm 2010 đến nay; cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam (một phần cũng là do so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021). Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 6,98% cùng kỳ năm 2021 và cao hơn mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 01/2022 (5,9% - 6,4%). Các động lực tăng trưởng chính (về phía cầu) đều phục hồi mạnh mẽ, với xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,94%, đầu tư tăng 5,59% và tiêu dùng cuối cùng tăng 7,26% so với cùng kỳ năm 2021.
Lạm phát trong tầm kiểm soát. CPI bình quân 9 tháng đầu năm tăng 2,73%, chủ yếu do tác động của giá 3 nhóm hàng hóa - dịch vụ là giao thông tăng 14,98%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,69%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,11%. Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới và trong khu vực, lạm phát của Việt Nam cơ bản trong tầm kiểm soát và trong mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ (khoảng 4%).
Trên thực tế, nếu như so với một số nước trên thế giới, lạm phát ở Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh, còn độ trễ và sẽ chịu áp lực trong những tháng cuối năm bởi yếu tố cầu kéo.
Nguyên nhân một phần do rổ hàng hoá trong cách tính CPI của Việt Nam có sự khác biệt so với nhiều nước. Cùng với đó, thời gian qua, CPI của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát một phần do Chính phủ đã thực hiện bình ổn giá xăng, dầu; bình ổn giá lương thực, thực phẩm và giá nhà ở - những nhóm mặt hàng đóng góp tới 80% - 90% vào chỉ số lạm phát ở Việt Nam.
Về cuối năm, nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng này tăng cao sẽ gây nên áp lực lạm phát do cầu kéo. Trong năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, tác động tới hoạt động xuất khẩu và đầu tư.
Trước đó, chúng tôi cũng đưa ra dự báo năm 2022, trong kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6% - 6,5%; lạm phát khoảng 3,8% - 4,2%. Về cơ bản mức lạm phát này chấp nhận được và nếu trên 4% cũng phải chấp nhận vì bối cảnh lạm phát trên thế giới năm nay rất cao.
CPI bình quân 2022 dự báo ở mức 3,5% - 3,8% khi giá cả trong nước tăng chậm hơn so với thế giới và Việt Nam kiểm soát khá tốt lạm phát. Tính đến áp lực lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao (CPI toàn cầu dù đã qua đỉnh ở một số quốc gia, dự báo tăng khoảng 6% năm 2023, giảm từ mức 8,3% năm 2022); nguy cơ “đình lạm” ở một số quốc gia, rủi ro an ninh lương thực và năng lượng vẫn hiện hữu, cộng với độ trễ cung tiền từ cuối năm 2022, CPI bình quân của Việt Nam sẽ còn tăng cao trong năm 2023 (4% - 4,5%), trước khi trở quỹ đạo khoảng 3,5% - 4% từ năm 2024.
5 kiến nghị chính sách
Nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, có 5 kiến nghị như sau:
Một là, tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế; nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách giá cả) nhằm kiểm soát lạm phát; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ nhằm bình ổn tỷ giá, lãi suất ở mức phù hợp; tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, ngoại hối, vàng, xăng dầu…); đẩy mạnh hiệu quả truyền thông về giá cả, lạm phát... nhằm giảm thiểu kỳ vọng lạm phát.
Hai là, tiếp tục các nhóm giải pháp bình ổn giá xăng dầu và giá lương thực - thực phẩm trong nước; xây dựng các kịch bản giá xăng dầu với các biện pháp ứng phó phù hợp; sớm xem xét, quyết định việc giảm thuế, phí xăng dầu trong điều kiện bất lợi; sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiệu quả hơn nữa; tăng nguồn cung xăng dầu trong nước; hỗ trợ, thúc đẩy chăn nuôi đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho dịp cuối năm và Tết; kiên quyết chống tình trạng buôn lậu, găm giữ hàng và tăng giá bất hợp lý.
Ba là, đẩy nhanh triển khai Chương trình phục hồi (nhất là các cấu phần bị chậm) và giải ngân đầu tư công; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và chuyển đổi số nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
Bốn là, trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam năm tới khó khăn hơn; các bộ ngành, địa phương và hiện diện Việt Nam tại nước ngoài cần hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đối tác, tận dụng tốt hơn các FTAs thế hệ mới; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, liên kết vùng nhằm huy động, phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; sớm nghiên cứu khả năng tiếp tục dùng chính sách tài khóa là chủ lực (chủ yếu là giảm thuế, phí…) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp.
Năm là, xây dựng chiến lược, giải pháp cụ thể để tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam. Qua nghiên cứu sơ bộ của người viết bài này và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam hiện ở mức “trung bình - khá”; cần tập trung ưu tiên cải thiện một số lĩnh vực như: chất lượng tăng trưởng; phát triển cân bằng thị trường tài chính; tăng mức độ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng nội lực, nội địa hóa các yếu tố đầu vào; tháo gỡ các rào cản tăng trưởng bền vững liên quan đến chất lượng thể chế; chú trọng giải quyết các điểm yếu về xã hội - môi trường, đặc biệt là năng lực y tế, chất lượng giáo dục, giảm khí phát thải và tăng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu…