A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lại chuyện tái cơ cấu ngân hàng

Tại Chỉ thị số 01 ngày 8/2/2022, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 NHTM yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương.

Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém vẫn còn nhiều thách thức, nên cần có những giải pháp căn cơ, xử lý triệt để vấn đề này...

GPBank vẫn đang chật vật tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để tái cơ cấu toàn diện.

GPBank vẫn đang chật vật tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để tái cơ cấu toàn diện.

Thách thức trong tái cơ cấu

Đến nay vẫn chưa biết 2 ngân hàng yếu kém nói trên là những ngân hàng nào. Tuy nhiên đến nay, Việt Nam có 3 NHTM yếu kém mà NHNN mua lại bắt buộc những năm trước là CB, OceanBank và GPBank. Bên cạnh đó, DongABank đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, còn có những NHTM khác cũng đang gặp khó khăn nhưng chưa được xác định là yếu kém theo công bố của cơ quan quản lý Nhà nước.

Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 đã có nhiều quy định tạo thuận lợi hơn trong việc sáp nhập ngân hàng để xử lý các NHTM yếu kém. Tuy nhiên vẫn còn những thách thức nhất định trong quá trình cơ cấu lại hệ thống NHTM, tập trung ở một số điểm, như vốn chủ sở hữu của nhiều ngân hàng vẫn ở mức thấp; Nợ xấu dù đã được kiểm soát nhưng chưa được xử lý một cách triệt; Chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro chưa cao; Mức độ minh bạch thấp,...

Cần giải pháp mạnh

Để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói chung, cần tập trung vào các giải pháp căn cơ.

Thứ nhất, cần triển khai các giải pháp tăng quy mô và chất lượng vốn, nhằm đáp ứng các quy định của pháp luật về tỷ lệ an toàn vốn, hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong trung và dài hạn.

Thứ hai, cần xác định được một cơ cấu tín dụng mà ở đó, mức độ rủi ro là tương xứng với khả năng quản trị rủi ro. Việc giảm tỷ trọng cho vay các lĩnh vực không khuyến khích và sau đó là tăng tỷ trọng các lĩnh vực được ưu tiên cần được thực hiện thận trọng. Đối với những rủi ro mang tính hệ thống và khó kiểm soát, cần có chính sách phát triển những công cụ bảo hiểm rủi ro phù hợp.

Thứ ba, việc cải thiện hoạt động của HĐQT, Ban điều hành cần bảo đảm tính độc lập về thẩm quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ; hạn chế cho phép thành viên HĐQT kiêm nhiệm chức vụ trong Ban điều hành.

Thứ tư, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của ngân hàng, hướng tới mục đích giảm thiểu những rủi ro phi hệ thống, qua đó tăng khả năng chấp nhận rủi ro.

Cuối cùng, cần thúc đẩy tín dụng xanh do Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều của biến đổi khí hậu. Việc hình thành bộ tiêu chí đánh giá tác động môi trường và kiện toàn bộ máy tổ chức có sự tư vấn chuyên sâu về môi trường là cần thiết cho ngân hàng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan