Kinh tế số và TFP: Động lực cốt lõi kiến tạo mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam
Việt Nam cần có chiến lược phát triển kinh tế số bài bản, dài hạn và toàn diện, trong đó, việc nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) nên được xem là mục tiêu cốt lõi.
Hội thảo được tổ chức nhằm cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trở thành động lực then chốt, quyết định mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Quang cảnh hội thảo
Tiềm năng và thách thức
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII (đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng20% GDP). Theo các chỉ tiêu định hướng, đến năm 2030, TFP sẽ đóng góp trên 55% vào tăng trưởng kinh tế, tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt tối thiểu 50% và quy mô kinh tế số đạt ít nhất 30% GDP, hướng tới 50% vào năm 2045.
Ông Nguyễn Việt Phong, Phó trưởng ban Ban Hệ thống tài khoản quốc gia, Cục Thống kê cho biết, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020-2024 lần lượt là 12,66%, 12,87% 12,83%, 12,87% và 13,17%.
Trung bình tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP các năm 2020-2024 đạt khoảng 12,88%, trong đó 17 ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,99% (chiếm 62%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,89% (chiếm 38%).
Các địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP cao là những địa phương thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho các hoạt động kinh tế số lõi, do đó giá trị tăng thêm của kinh tế số lõi chiếm khoảng 87%- 96% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số tại các tỉnh này.
Tỷ trọng kinh tế số của TP. Hà Nội đạt 15,41% (kinh tế số lõi chiếm khoảng 75%) và của TP. Hồ Chí Minh là 13,51% (kinh tế số lõi chiếm khoảng 69%).
Dữ liệu thống kê cũng cho thấy, mặc dù tiềm năng lớn, quá trình phát triển kinh tế số và nâng cao TFP tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản, có thể kể đến như: Hệ thống thể chế, chính sách chưa bắt kịp tốc độ phát triển công nghệ; hạ tầng số thiếu đồng bộ; khoảng cách số giữa đô thị và nông thôn; thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số; thiếu hệ thống chia sẻ dữ liệu quốc gia, dữ liệu còn phân tán; chưa có cơ chế mạnh mẽ để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Cần chiến lược bài bản và toàn diện
Tại Hội thảo, GS. Tan Swee Liang đến từ Đại học Quản lý Singapore cho rằng, khi các yếu tố vốn và lao động đã được sử dụng một cách triệt để, chỉ có sự gia tăng về năng suất mới có thể thúc đẩy sản lượng tăng trưởng hơn nữa. Do đó, TFP chính là động lực chủ chốt của tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Đây cũng chính là tinh thần xuyên suốt trong quá trình kiến tạo mô hình phát triển mới của Việt Nam theo Nghị quyết số 57-NQ/TW: Lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững và nâng cao năng lực tự chủ chiến lược, trong một thế giới đang chuyển động sâu sắc dưới tác động của cách mạng công nghệ và cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
Tăng trưởng theo chiều sâu là dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng, như nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của nhân tố TFP, hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao, trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế của đất nước.
Kinh tế số là yếu tố then chốt thúc đẩy TFP thông qua các cơ chế như cải tiến R&D, tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Trong bối cảnh dư địa tăng trưởng từ vốn và lao động đang dần thu hẹp, việc nâng cao TFP trở thành động lực chủ đạo để đạt tăng trưởng kinh tế bền vững.
GS,TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh đến sự cấp bách phải đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng thông qua thúc đẩy tăng trưởng TFP. “Không có tốc độ tăng trưởng thần kỳ, Việt Nam không thể trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045”, GS,TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
Tại hội thảo, giới chuyên gia, nhà quản lý cùng thống nhất nhận định, kinh tế số và TFP là 2 trụ cột gắn bó mật thiết, bổ trợ cho nhau trong quá trình hiện đại hóa nền kinh tế. Việc thúc đẩy kinh tế số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là nền tảng căn bản cho tăng trưởng hiệu quả và bền vững dựa trên TFP.
Thực tiễn từ nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển, giới chuyên môn cho rằng, để khai thác hiệu quả tiềm năng của kinh tế số, cần có chiến lược dài hạn bao gồm đầu tư mạnh vào hạ tầng kỹ thuật số, phát triển nhân lực, xây dựng khung pháp lý cho dữ liệu và ban hành chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công, tư nhân và các viện nghiên cứu là yếu tố then chốt để hình thành hệ sinh thái số bền vững và toàn diện.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần một chiến lược bài bản và toàn diện, trong đó TFP được đặt là mục tiêu trung tâm. Với sự đồng thuận và hành động quyết liệt từ chính quyền, doanh nghiệp và toàn xã hội, kinh tế số sẽ là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng trong kỷ nguyên mới.