A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh nghiệm chống chuyển giá trên thế giới và bài học cho Việt Nam

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thực hiện việc chuyển giá, mà không có ý thức bảo vệ môi trường và chuyển giao công nghệ. Do vậy, việc chuyển giá đã không những gây thất thu thuế cho Nhà nước, mà còn gây bất lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đây là mối nguy hại tiềm ẩn rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Bài viết đưa ra kinh nghiệm chống chuyển giá trong khu vực FDI của một số nước trên thế giới, đồng thời đề xuất một số khuyến nghị nhằm chống chuyển giá tại Việt Nam.

1. Kinh nghiệm chống chuyển giá tại một số quốc gia

Ở hầu hết các nước, đối với các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan thuế, sự phức tạp trong quản lý chuyển giá phát sinh ở cả cấp độ chính sách quốc gia và cấp độ thực hành. Tại cấp độ chính sách, các quốc gia cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa quyền của quốc gia được đánh thuế dựa trên lợi nhuận thu được của người nộp thuế. Tại cấp độ thực hành, cơ quan thuế của các quốc gia đều gặp khó khăn trong việc truy cập các thông tin có liên quan ngoài phạm vi lãnh thổ để xác định tính hợp lý của việc phân bổ chi phí và thu nhập giữa các thành viên liên kết của các tập đoàn đa quốc gia. Dưới đây là một số trường hợp cụ thể.

1.1. Kinh nghiệm chống chuyển giá của Singapore

Singapore không quy định mức phạt cụ thể dành riêng cho hành vi chuyển giá. Mức phạt chung cho các vi phạm về thuế nằm từ khoảng 100% đến 400% khoản thuế phải trả. Một điểm đáng lưu ý trong thực tế là khi một vụ điều tra về chuyển giá được tiến hành, án phạt gần như sẽ được áp dụng nếu đơn vị đóng thuế không có, hoặc không đầy đủ các tài liệu liên quan đến việc điều tra chuyển giá. Luật Thuế của Singapore cũng như hướng dẫn về vấn đề chuyển giá không đưa ra một yêu cầu về việc phải chuẩn bị xuất trình các tài liệu về chuyển giá.

Các tài liệu tối thiểu cần có khi kiểm tra về vấn đề chuyển giá bao gồm: Mô tả về các bên liên quan trong các chuyển nhượng, bao gồm giá trị mua bán và các điều khoản ký kết và một phân tích sâu trong đó mô tả những yếu tố chính liên quan đến quá trình mua bán như chức năng, sự phát triển của tài sản, việc sử dụng tài sản và các rủi ro được dự báo; Bảng đánh giá của đơn vị đóng thuế về những rủi ro về thuế của đơn vị.

Việc ban hành hướng dẫn về chuyển giá của Singapore chủ yếu nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của doanh nghiệp về vấn đề chuyển giá. Các thỏa thuận về giá đơn phương, song phương hay đa phương đều được chấp nhận ở Singapore. Tuy nhiên, đối với các thỏa thuận song phương và đa phương, phải có thỏa thuận thuế kép giữa Singapore và quốc gia liên quan.

1.2. Kinh nghiệm chống chuyển giá của Malaysia

Để chống chuyển giá, Malaysia đã luật hóa bằng các quy định cụ thể về việc ban hành hai tờ khai về chuyển giá, một tờ khai dành cho các doanh nghiệp nước ngoài và một tờ khai dành cho các doanh nghiệp trong nước. Hai tờ khai này được phát cho những đối tượng nộp thuế được chọn, sau khi khai đầy đủ, các doanh nghiệp này sẽ nộp tờ khai lại cho Cục Thuế Malaysia. Sau đó, Cục Thuế quốc gia này sẽ xem xét, rà soát liệu có nên thanh tra doanh nghiệp này hay không. Điểm nhấn đáng quan tâm nhất trong quy định này là Cục Thuế Malaysia muốn thấy ở tờ khai này là cấu trúc của tập đoàn, những chi phí mà công ty phải trả như chi phí bản quyền, chi phí quản lý doanh nghiệp, những bằng chứng chứng minh doanh nghiệp có hưởng những dịch vụ đó và trả đúng với những dịch vụ mà doanh nghiệp đã hưởng hay không. Cơ quan Thuế ở Malaysia sẽ dùng các tờ khai này để thanh tra thuế và thanh tra chuyển giá đối với các công ty.

Ngoài ra, phương thức áp dụng, xác định các doanh nghiệp có thực hiện chuyển giá hay không được Malaysia áp dụng đó là so sánh giá thị trường tự do, phương pháp dựa vào giá bán ra, phương pháp cộng chi phí vào giá vốn, phương pháp phân chia lợi nhuận, phương pháp lợi tức thuận từ giao dịch. Cùng với đó, Malaysia không có quy định riêng về chế tài trong luật, mà tuân thủ mức phạt dao động từ 100 - 300% số thuế bị phát hiện gian lận. Đồng thời, Malaysia cũng công khai danh tính những doanh nghiệp thực hiện chuyển giá, chiếm đoạt tiền thuế nhà nước.

1.3. Kinh nghiệm chống chuyển giá của Trung Quốc

Trung Quốc gia tăng củng cố hệ thống thuế, trong đó đặt trọng tâm vào thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm kiểm soát chuyển giá. Cụ thể, Luật Thuế TNDN quy định như sau: các doanh nghiệp có các giao dịch tài sản hữu hình liên quan đến các bên liên kết có giá trị hàng năm trên 200 triệu Nhân dân tệ (NDT), hoặc có các giao dịch giữa các bên liên kết trên 40 triệu NDT phải chuẩn bị tài liệu đương thời giải trình rõ. Các quy định chống chuyển giá của Trung Quốc được xây dựng dựa trên cở sở hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Việc điều chỉnh chuyển giá hiện nay của Trung Quốc đang áp dụng theo các : Luật Thuế TNDN (2007); Thực hiện Quy phạm pháp luật thuế TNDN (2007); Thông tư Guoshuifa số 2 (2009).

Cơ quan thuế Trung Quốc xây dựng các nguồn dữ liệu về các chỉ số mức nâng giá hợp lý từ việc so sánh bí mật. Đồng thời cũng đưa ra các biện pháp xử phạt cụ thể đối với hành vi chuyển giá. Điều 60-73 của Luật Quản lý thuế quy định, hành vi vi phạm luật có thể bị phạt tiền, và những vi phạm nghiêm trọng như trốn thuế, gian lận thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật Thuế TNDN Trung Quốc cũng nêu rõ, từ sau ngày 01/01/2008, các khoản thuế bị trả thiếu liên quan đến giao dịch giữa các bên liên kết sẽ phải chịu một khoản lãi phí. Khoản lãi suất này được tính bằng lãi suất cho vay cơ bản NDT của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cùng kỳ cộng 5% phí. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp cung cấp được các tài liệu và thông tin liên quan khác theo quy định, thì 5% phí tăng thêm này có thể được giảm bớt, hoặc loại bỏ hoàn toàn.

Trong những năm qua, cơ quan thuế đã tập trung vào các ngành may mặc, điện tử và viễn thông, thực phẩm và nước giải khát, bán lẻ, công nghiệp, ô tô, dược phẩm và các ngành công nghiệp dịch vụ, cũng như về các vấn đề tài chính liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng và các công ty có vốn đầu tư ra bên ngoài. Hiện nay, các phòng thuế cũng tăng cường các công cụ như công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu để hỗ trợ cho công tác chống tránh thuế. Phòng thuế cũng đang gia tăng huấn luyện cho các chuyên gia chống trốn thuế bao gồm cả đào tạo ngắn hạn và dài hạn, cả đào tạo trong nước và đào tạo nước ngoài. Ngoài ra, các sở thuế cũng đã tuyển dụng thêm sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành liên quan để bổ sung thêm vào lực lượng chống trốn thuế.

Trung Quốc cũng khuyến cáo những hậu quả bất lợi mà những người không tuân thủ quy định giá chuyển nhượng có thể gặp. Đó là người nộp thuế có thể sẽ bị đưa vào một trong những mục tiêu đầu tiên cho một cuộc thanh tra về vấn đề định giá chuyển giao. Thông thường, người nộp thuế không được chấp nhận tham gia vào các thỏa thuận giá trước.

1.4. Kinh nghiệm chống chuyển giá của Thái Lan

Luật Chống chuyển giá được ban hành và thực hiện cách đây đã hơn 10 năm. Theo đó, cơ quan thuế quốc gia thiết lập được một cơ sở dữ liệu khá đầy đủ, dễ dàng đối chiếu. Để đối phó với hiện tượng chuyển giá, ngay từ năm 2004, Thái Lan đã thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin về các công ty đang là mục tiêu để tiến hành kiểm tra sổ sách và điều tra, đó là các công ty có các chỉ số “rủi ro cao”, như thua lỗ liên tục hơn 2 năm; tổng số lợi nhuận âm; không nộp thuế trong một giai đoạn; có các giao dịch đáng kể của cùng nhóm liên quan và khả năng sinh lãi thấp so với các đối thủ cạnh tranh.

Để ngăn chặn, xử lý tình trạng chuyển giá, cơ quan thuế của Thái Lan tập trung vào các chứng cứ giá cả chính xác, tất cả cần hợp lý để chứng tỏ sự minh bạch, tài liệu cập nhật để chỉ ra cơ cấu và mối liên hệ của nhóm các công ty, bao gồm tính chất của mỗi một kinh doanh, ngân sách của nó, kế hoạch kinh doanh và các chiến lược tài chính. Cùng với đó là tài liệu giải thích doanh số của công ty, kết quả hoạt động, các giao dịch quốc tế của công ty với các tổ chức kinh doanh liên kết. Các chính sách giá, khả năng sinh lãi của mỗi sản phẩm và thông tin thị trường, sự đóng góp lợi nhuận của mỗi bên nhận các chức năng thực hiện, các tài sản đã sử dụng và sự rủi ro. Tất cả phải được đưa vào tính toán và có khả năng sử dụng cho việc khảo sát tường tận.

Đặc biệt, cơ quan thuế ở Thái Lan thanh tra, kiểm tra rất kỹ các chi phí trong nội bộ tập đoàn, chẳng hạn như chi phí quản lý, chi phí bản quyền. Họ không chỉ xem công ty có hợp đồng nghiêm túc hoặc hóa đơn hợp lệ, mà còn nhìn vào bản chất giao dịch xem có giao dịch đó diễn ra hay không, hoặc đối với chi phí quản lý chung thì đó là chi phí thật sự hay là chi phí chia ra cho những người nắm giữ hợp đồng đó. Mặt khác, Cục Thuế Thái Lan thường xem xét những công ty được ưu đãi về thuế và so sánh lợi nhuận của các công ty này với những công ty không được ưu đãi về thuế xem lợi nhuận của 2 nhóm công ty này có giống nhau hay không và thực hiện bước thanh tra tiếp theo.

2. Những bài học rút ra cho Việt Nam

Từ những bài học kinh nghiệm về chống chuyển giá của các nước trên thế giới, để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tránh tình trạng chuyển giá, chúng tôi rút ra một số bài học để áp dụng trong điều kiện Việt Nam như sau:

Thứ nhất, phải nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử phát triển kinh tế của các quốc gia phát triển đi trước, cũng như các quốc gia trong khu vực có những nét tương đồng về kinh tế. Chúng ta phải tiếp thu những kinh nghiệm quý báu và những thành công kinh tế mà các quốc gia này đạt được để áp dụng vào kinh tế Việt Nam, giúp cho kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và đón đầu kinh tế thế giới. Song đồng thời phải tránh những sai lầm mà các quốc gia đã vấp phải để rút ngắn thời gian phát triển kinh tế.

Thứ hai, nghiên cứu hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố, cập nhật hằng năm về chuyển giá nhằm hạn chế hành vi tránh thuế của các công ty đa quốc gia để hoàn thiện khung chính sách quốc gia tùy theo điều kiện cụ thể của Việt Nam. Có chính sách thuế phù hợp với tình hình trong nước, đáp ứng với yêu cầu của hội nhập và xu thế chung của thế giới, đảm bảo mục tiêu công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, đồng thời kích thích thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

Thứ ba, cần xây dựng một hệ thống chế tài chống chuyển giá nghiêm minh và tổ chức thực hiện nghiêm túc hệ thống chế tài đối với những hành vi không tuân thủ kê khai về giá chuyển giao khi có giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo thủ tục, trình tự quy định của pháp luật. 

Thứ tư, trong kiểm soát hoạt động chuyển giá, cần đặc biệt chú trọng đến quy định về trách nhiệm kê khai thông tin liên quan về các mối quan hệ kinh tế liên kết, việc xuất trình các tài liệu minh chứng; tạo lập các cơ sở dữ liệu về thông tin thuế, hải quan để so sánh đối chiếu trong nội bộ quốc gia, cũng như tăng cường trao đổi thông tin quốc tế; đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo sự kết nối và trao đổi thông tin tự động giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác. 

Thứ năm, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ cho việc quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn nhân sự này phải được thường xuyên cập nhật kiến thức về kinh tế, kinh nghiệm quản lý kinh tế, kinh nghiệm về hoạt động chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia tại các quốc gia trên thế giới.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngô Thế Chi (2012), Giải pháp hạn chế các thủ thuật chuyển giá trong điều kiện hiện nay của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
  2. Phan Thị Thành Dương (2011), Pháp luật về kiểm soát chuyển giá ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Phạm Tiến Đạt (2011), Giải pháp chống chuyển giá trong doanh nghiệp FDI, Tạp chí Tài chính (5), 23-24.

Tác giả: ThS. Trần Thị Ngọc Thúy - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp/tapchicongthuong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan