A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HTX ‘non trẻ’ gian nan tiếp cận nguồn tín dụng

Một thực tế đáng lo ngại hiện nay là các HTX mới thành lập đang phải đối mặt với không ít rào cản, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong khi đây được coi là “dòng máu” nuôi dưỡng sự phát triển của HTX.

So với các doanh nghiệp hay các HTX đã có lịch sử hoạt động lâu năm, các HTX “tân binh” thường gặp nhiều bất lợi khi gõ cửa các tổ chức tín dụng.

"Sinh sau đẻ muộn" và những bất lợi cố hữu

Anh V.V.T, Giám đốc một HTX nông nghiệp sản xuất nông sản ở TP Bắc Kạn, cho biết, mong muốn của các thành viên là đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi và hướng đến thu hút thành lập doanh nghiệp trong HTX. Tuy nhiên, nguồn vốn của các thành viên cũng chỉ giống như “muối bỏ biển” nên HTX đã gõ cửa các tổ chức tín dụng nhưng rất khó tiếp cận.

Nguyên nhân được vị giám đốc này đưa ra không phải là các ngân hàng từ chối vì HTX không có phương án sản xuất kinh doanh mà do HTX mới thành lập từ đầu năm 2025 nên chưa thể tạo được lòng tin với các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng này cho rằng, HTX phải hoạt động ít nhất trên 1 năm thì mới được xem xét để vay vốn.

Anh V.V.T cho rằng có lẽ vì mới thành lập nên HTX thiếu lịch sử tín dụng và đó là một trở ngại lớn. Bởi ngân hàng thường dựa vào lịch sử trả nợ để đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng. HTX mới, hiển nhiên, chưa có dữ liệu này, khiến việc chứng minh khả năng trả nợ trở nên khó khăn hơn.

-1431-1744969525.jpg

Bài toán tín dụng được giải quyết giúp HTX mới thành lập không bị lỡ nhịp trong sản xuất kinh doanh.

“Nhưng nếu nói phải đi vào hoạt động trên 1 năm mới được cho vay thì trong 1 năm đó chúng tôi sẽ rất khó khăn và đánh mất nhiều cơ hội”, giám đốc HTX này cho biết.

Việc mô hình kinh tế tập thể mới thành lập gặp lực cản trong quá trình tiếp cận nguồn vốn có lẽ không phải chỉ một, hai HTX gặp phải. Theo các chuyên gia, nhiều HTX mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khi lĩnh vực này được đánh giá là có nhiều rủi ro, phụ thuộc vào thời tiết.

Bên cạnh đó, phần lớn các HTX mới thành lập có quy mô nhỏ, vốn điều lệ ít ỏi và tài sản chung thường là đất đai, nhà xưởng có giá trị không cao hoặc khó định giá. Điều này khiến các khoản vay trở nên rủi ro hơn trong mắt các ngân hàng. Trong khi ngân hàng thường ưu tiên nguồn vốn có các khoản vay có tài sản đảm bảo chắc chắn hơn.

Cũng có nhiều HTX mới thành lập nhưng người lãnh đạo, thành viên được đào tạo bài bản sẽ có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Nhưng có những HTX không được như vậy. Họ gặp khó trong việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh thuyết phục vì thiếu kinh nghiệm quản lý và kiến thức thị trường. Điều này làm giảm niềm tin của các tổ chức tín dụng vào khả năng tạo ra dòng tiền để trả nợ của HTX.

Tuy nhiên, xét trên thực tiễn, việc những đơn vị này khó tiếp cận vốn tín dụng không chỉ kìm hãm sự phát triển của từng HTX mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu chung của ngành nông nghiệp. HTX không có vốn để đầu tư vào công nghệ mới, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và lỡ nhịp tiếp cận thị trường. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam và hạn chế khả năng nâng cao thu nhập cho nông dân.

Giúp "mầm xanh" HTX có đủ nguồn lực vươn mình

Theo các chuyên gia, thông thường, không có quy định cụ thể về thời gian tối thiểu sau khi thành lập bao lâu thì HTX mới được phép vay vốn ngân hàng. Thay vào đó, ngân hàng sẽ xem xét dựa trên nhiều yếu tố khác để đánh giá khả năng trả nợ và mức độ tín nhiệm của HTX.

Tuy nhiên, một HTX mới thành lập thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn bởi thiếu lịch sử tín dụng, tài sản đảm bảo, phương án sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính. Thông thường, các ngân hàng thường yêu cầu báo cáo tài chính trong một khoảng thời gian nhất định như 2 năm gần nhất. Như vậy, HTX mới thành lập sẽ không đáp ứng được điều này.

Do đó, để tăng cơ hội tiếp cận vốn vay, các HTX mới thành lập cần tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ phát triển HTX để được tư vấn và hỗ trợ về tài chính. Đồng thời xây dựng mối quan hệ với các ngân hàng ngay từ khi mới thành lập để có cơ hội tìm hiểu kỹ về các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho HTX nông nghiệp.

Vậy nhưng nhìn chung thì vốn vẫn là đầu vào quan trọng cho các HTX sản xuất kinh doanh. Nếu cơ hội tiếp cận vốn đối với HTX nói chung, HTX mới thành lập nói riêng chưa có dấu hiệu tích cực thì khả năng phát triển, nắm bắt cơ hội thị trường của HTX sẽ bị hạn chế. Đặc biệt, theo Chủ tịch HĐQT HTX nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc), ông Nguyễn Quốc Huy, một số ngân hàng, trong đó có cả Ngân hàng Nông nghiệp hiện có lãi suất cho vay khá cao. Chưa kể điều kiện cho vay của hầu hết các ngân hàng vẫn còn khắt khe càng khiến khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của HTX chưa được cải thiện.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn-Bộ NN&MT, cho rằng trong điều kiện hiện nay, các HTX phải ứng dụng công nghệ, đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị để đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế. Và muốn làm được điều này, HTX chắc chắn sẽ cần đến nguồn vốn.

Do đó, bản thân các HTX cần chủ động tiếp cận các chương trình, đề án trọng điểm của các Bộ ngành như Quyết định 1088/QĐ-BNN-KTHT; Quyết định số 1804/QĐ-TTg; Quyết định số 653/QĐ-BNN-CĐS… Bên cạnh đó, các HTX có thể hợp tác với các tổ chức quốc tế như FAO, IFAD, GIZ, JICA, ACIAR,… để tiếp cận nguồn lực tài chính và kỹ thuật phục vụ sản xuất kinh doanh.

Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ tín dụng đặc thù cho HTX nông nghiệp mới thành lập. Ví dụ, xây dựng các quỹ bảo lãnh tín dụng, giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp trong quá trình vay vốn, và có cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay đối với HTX có phương án sản xuất kinh doanh khả thi và mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.

Đối với các tổ chức tín dụng, cần có cái nhìn cởi mở và linh hoạt hơn đối với các HTX mới. Thay vì chỉ dựa vào tài sản đảm bảo, cần chú trọng hơn vào đánh giá tiềm năng phát triển, năng lực quản lý của HTX. Có thể xây dựng các gói tín dụng nhỏ, phù hợp với quy mô và nhu cầu thực tế của các HTX mới thành lập.

Ông Lê Đức Thịnh cho rằng trong bối cảnh hiện nay, HTX nông nghiệp chính là thiết chế kinh tế - xã hội đóng vai trò trung tâm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc khơi thông dòng vốn tín dụng cho các HTX nông nghiệp mới thành lập không chỉ là bài toán kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và nâng cao đời sống cho người nông dân.

Huyền Trang


Tác giả: "Sinh sau đẻ muộn" và những bất lợi cố hữu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết