A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hệ thống ngân hàng đã “bơm” bao nhiêu tiền ra thị trường từ đầu năm đến nay?

Số liệu mới được công bố cho thấy tăng trưởng tín dụng tiếp tục diễn biến tích cực.

Hệ thống ngân hàng đã “bơm” bao nhiêu tiền ra thị trường từ đầu năm đến nay?- Ảnh 1.

Theo báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê vừa được công bố, tính đến thời điểm 27/9/2024, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,10% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm trước tăng 5,40%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,79% (cùng thời điểm năm trước tăng 6,63%). Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,53% (cùng thời điểm năm trước tăng 6,24%).

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 16/9/2024, tăng trưởng tín dụng của hệ thống đạt 7,26% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đối với khoản vay mới và cũ giảm mạnh, đến tháng 8/2024 giảm hơn 1%/năm so với cuối năm 2023.

Như vậy, trong 2 tuần cuối của tháng 9, tăng trưởng tín dụng tiếp tục diễn biến tích cực. Ước tính, từ đầu năm đến nay, hệ thống TCTD đã “bơm” ròng hơn 1,1 triệu tỷ đồng tín dụng.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 9/2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, NHNN tự tin khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% trong năm nay.

"Năm nay, với tốc độ cũng như xu hướng chung của nền kinh tế và đặc biệt là so với trước kia, tình hình khởi sắc rất nhiều, tốc độ tăng trưởng trên tất cả các mục được đánh giá là rất tích cực, chúng tôi tin rằng chúng ta có khả năng đạt được 15%", ông Tú cho biết.

Phó Thống đốc cũng cho biết thêm, mục tiêu tăng trưởng 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt, nhưng quan trọng nhất lúc này là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng, tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm đã đặt ra những nhiệm vụ rất quyết liệt để tăng trưởng tín dụng.

"Chúng tôi ra hàng loạt giải pháp, biện pháp rất tích cực với kinh nghiệm từ những năm trước cũng như biện pháp của riêng năm nay", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Trong đó, ngay từ cuối năm 2023, NHNN đã phân bổ hết chỉ tiêu 15% cho tất cả các ngân hàng để các ngân hàng thương mại chủ động trong cấp tín dụng.

Thứ hai, đã có các biện pháp để từng bước hạ lãi suất. "Có thể nói lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp rất nhiều. Mặc dù tiền gửi phải tăng lên để trả lãi suất cao hơn cho người gửi nhưng tiền cho vay lại giảm thì chênh lệch đầu vào đầu ra sẽ thu hẹp", Ông Tú nói.

Theo ông Tú, khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay, kể cả room tín dụng cũng như nguồn lực, nguồn vốn thanh khoản, đều đủ cho nhu cầu vốn tín dụng. Quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ nhu cầu vốn vay. Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh. Còn nhiều chính sách giải pháp vĩ mô khác đồng hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ vốn tín dụng.

Các hội nghị kết nối của tất cả 63 tỉnh, thành phố, các chính sách tín dụng ưu đãi, các chính sách tín dụng trong chương trình mục tiêu đều được triển khai rất quyết liệt. Về cơ chế chính sách, sau khi thực hiện Luật Tổ chức tín dụng mới, NHNN đã tháo gỡ rất nhiều hay nói đúng hơn là tinh gọn rất nhiều thủ tục, điều kiện cho các ngân hàng thương mại có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay cũng như người cho vay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan