Giá xăng, dầu neo cao: Hàng không rục rịch xin tăng giá vé
Giá nhiên liệu bay tăng cao theo giá xăng dầu thế giới đang tạo sức ép không nhỏ lên giá vé máy bay, nhất là khi vận tải đường bộ và hàng hải đã tăng cước. Trước sức ép giá nhiên liệu, các hãng hàng không liên tục kiến nghị tăng trần giá vé máy bay, thêm phụ thu, giảm thuế...
Với hàng không, dịp đầu năm này vẫn là khoảng thời gian thấp điểm. Để kích cầu, các hãng hàng không đều đã tung vé khuyến mại bay nội địa với giá dưới 100.000 đồng/chiều.
Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng và neo cao đang gây sức ép lên cước vận tải. Hiện tại taxi, xe khách, tàu biển đã tăng giá vé nên các hãng hàng không cũng muốn được tăng trần giá vé máy bay, thêm phụ thu phí vào giá vé, giảm thuế phí. Trong đó, riêng trần giá vé máy bay đã được các hãng kiến nghị nhiều năm qua, kể cả khi giá xăng dầu chưa tăng đột biến, nhưng không được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.
Ông Nguyễn Vũ Hoàng, giám đốc Tiếp thị Truyền thông của Vietravel Airlines cho biết, giá nhiên liệu bay Jet-A1 tăng cao (hơn 94 USD/thùng) gây nhiều sức ép lên doanh nghiệp, khi chi phí nhiên liệu chiếm hơn 30% tổng chi phí khai thác của các hãng hàng không.
“Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ, các cấp ngành xem xét cho các hãng hàng không được chủ động áp dụng phụ thu phí nhiên liệu với đường bay nội địa, khi giá nhiên liệu bay từ 100 USD/thùng trở lên”, ông Hoàng nói.
Hãng này cũng kiến nghị bỏ quy định trần giá vé máy bay với các đường bay có cạnh tranh (trừ đường bay độc quyền, đường bay phát triển kinh tế - xã hội). Đại diện hãng này cho rằng, có nhiều hãng hàng không đưa ra giá vé cạnh tranh, nếu bỏ giá trần các hãng sẽ linh hoạt hơn trong việc đưa ra các sản phẩm vé để đáp ứng nhu cầu khách khác nhau. Không phải bỏ trần để tăng giá vé đồng loạt rồi mất khách.
Bên cạnh đó, Vietravel Airlines cũng kiến nghị Nhà nước giảm thuế với nhiên liệu bay; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế giá trị gia tăng và các loại phí sân bay...
Vietnam Airlines cũng trình Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải nhiều giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không ứng phó với giá xăng dầu tăng cao. Hãng này kiến nghị các bộ, ngành tăng trần giá vé máy bay từ 1/4; thêm phụ thu nhiên liệu với đường bay nội địa; miễn toàn bộ thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay trong năm nay (thay cho mức giảm 50% đang áp dụng).
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, giá nhiên liệu bay bình quân năm 2021 chỉ khoảng 73 USD/thùng, nửa đầu tháng 3 này đã vọt lên 130 USD/thùng. Nếu mức giá này duy trì cả năm nay, chi phí nhiên liệu của hãng sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng. Nếu giá nhiên liệu bay lên mức 160 USD/thùng, chi phí của hãng sẽ tăng hơn 9.100 tỷ đồng, khiến số lỗ năm nay tăng theo.
Cân nhắc lợi ích người tiêu dùng
Chiều 21/3, trao đổi với PV Tiền Phong, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, Cục đang nghiên cứu kiến nghị của các hãng hàng không về tăng trần giá vé máy bay, thêm phụ thu nhiên liệu do giá xăng dầu tăng cao.
“Hiện tại, chưa nên tăng trần giá với vé máy bay nội địa, do giá này đang được áp dụng ổn định và có khả năng tác động tới giá tiêu dùng, lạm phát. Thay vào đó có thể cho phép các hãng áp dụng phụ thu nhiên liệu vào giá vé ở những thời điểm giá nhiên liệu bay tăng cao, để các hãng linh hoạt áp dụng. Muốn thêm phụ thu phí nhiên liệu vào giá vé máy bay phải xin ý kiến Bộ Tài chính, chúng tôi đang nghiên cứu, đánh giá”, ông Thắng nói.
TS. Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) nêu ý kiến: Giá xăng dầu tăng cao khó tránh việc tăng giá các mặt hàng khác, đặc biệt với các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải, trong đó có hàng không. Quy định về mức trần giá vé máy bay ban hành từ năm 2015, nên có thể cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn hiện nay. Với hàng không, chi phí nhiên liệu chiếm 30-40% tổng chi phí, trong khi nhiều lĩnh vực khác đã tăng giá theo xăng dầu như taxi, xe khách, tàu biển... nên hàng không cũng khó tránh.
“Giữa tăng trần giá vé máy bay và thêm phụ thu phí nhiên liệu, chỉ nên chọn một hình thức để điều chỉnh. Cùng lúc điều chỉnh cả hai sẽ gây tác động tới mặt bằng giá, lạm phát, bất lợi cho người tiêu dùng và khôi phục thị trường du lịch. Giá xăng dầu khiến mọi thứ đều tăng cũng không thể buộc hàng không giữ giá vé, các hãng vốn đã gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Bộ Giao thông Vận tải phải tính toán kỹ và có cơ quan thẩm định thêm”, ông Long nói.
Theo ông Long, cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát để đảm bảo những dịp cao điểm, các hãng không lợi dụng tăng giá vé bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ðể hỗ trợ doanh nghiệp hàng không bớt khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đã được điều chỉnh giảm từ nửa cuối năm 2020 tới hết năm nay. Trong đó, năm 2022, thuế này giảm 50% (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít), tương đương giảm gần 2.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không; năm 2020 và 2021 thuế này giảm 30%.