Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng áp lực bán tháo
Dù đã tăng tuần thứ tư liên tiếp và đang được hỗ trợ bởi một số yếu tố, nhưng giá vàng tuần tới vẫn có nguy cơ đối mặt áp lực bán tháo.
Trong tuần này, giá vàng miếng SJC đã tăng từ mức 66,85 triệu đồng/lượng lên mức 67,55 triệu đồng/lượng. Ảnh Quốc Tuấn.
Tuần này là tuần thứ tư liên tiếp giá vàng quốc tế đã tăng sau 5 tuần giảm giá. Giá vàng tuần này đã tăng mạnh từ mức 1.770 USD/oz lên tới mức 1.807 USD/oz và đóng cửa ở mức 1.801 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã biến động theo xu hướng giá vàng quốc tế, nhưng vẫn còn cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi khoảng hơn 10 triệu đồng mỗi lượng. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã tăng từ mức 66,85 triệu đồng/lượng lên mức 67,55 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng tiếp tục tăng mạnh là do một số nguyên nhân. Thứ nhất, quan hệ Mỹ - Trung Quốc tiếp tục căng thẳng hơn sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tới thăm hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc). Theo đó, Trung Quốc đã tuyên bố ngừng hợp tác với Mỹ trong một số lĩnh vực, trong đó có đối thoại quân sự cấp cao. Trong khi đó, Mỹ cũng tuyên bố sẽ xem xét lại việc giảm thuế nhập khẩu đối hàng hóa Trung Quốc. Điều này không chỉ khiến các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng Mỹ- Trung leo thang trong lĩnh vực địa chính trị, mà cả địa kinh tế, làm cho chiến tranh thương mại Mỹ- Trung thêm căng thẳng hơn, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu vốn đang tiềm ẩn nguy cơ suy thoái.
Thứ hai, lạm phát của Mỹ tháng 7 bất ngờ “hạ nhiệt”, theo đó CPI tháng 7 chỉ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức 9,1% được ghi nhận trong tháng 6. Điều này, cộng với số liệu tích cực của thị trường lao động Mỹ, khiến các nhà đầu tư cho rằng FED có thể sẽ chỉ tăng thêm khoảng 50 hoặc 75 điểm phần trăm lãi suất cơ bản trong cuộc họp tháng 9 tới, sau đó ngừng chu kỳ tăng lãi suất hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, lạm phát của Mỹ giảm trong tháng 7 chưa chắc đã bền vững, bởi thỏa thuận ngũ cốc Nga- Ukraine, dù đã được ký kết, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro do Ukraine đang phản công Nga ở miền Nam, trong khi Nga cũng dồn lực xuống khu vực này để chống đỡ, khiến chiến sự Nga- Ukraine ngày càng căng thẳng hơn. Do đó, giá lương thực thế giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại.
Giá vàng tuần tới tiềm ẩn nguy cơ đối mặt áp lực chốt lời.
Trong khi đó, giá dầu thô giảm thời gian qua cũng chỉ là tạm thời khi một số quốc gia, như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… đã mua dầu giá rẻ của Nga. Điều này cộng với một số đường ống dẫn dầu từ Nga sang Châu Âu được khôi phục trở lại, đã góp phần làm hạ nhiệt giá dầu. Tuy nhiên, gần đây, Nga bắt đầu lấy lại quyền định giá, không còn chiết khấu sâu như trước đây. Chẳng hạn, trước đây, giá dầu thô ESPO của Nga được chiết khấu hơn 20 USD/ thùng, nhưng nay đã có giá tương đương dầu Dubai. Hơn nữa, mùa đông sắp tới, nên nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, từ tháng 11 tới, Châu Âu cũng sẽ ngừng nhập khẩu phần lớn dầu vận chuyển trên biển từ Nga… Tất cả những điều này tiềm ẩn nguy cơ đẩy giá dầu tăng trở lại.
Dù áp lực lạm phát tăng chủ yếu do chi phí đẩy và kinh tế Mỹ đã tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp, nhưng FED có thể vẫn chưa ngừng ngay chính sách thắt chặt tiền tệ sau cuộc họp tháng 9, mà sẽ tiếp tục theo dõi thực trạng kinh tế Mỹ rồi sẽ quyết định. Bởi vậy, giá vàng ngắn hạn vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bị chốt lời do viễn cảnh chưa chắn chắn về việc FED sẽ ngừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, FED cũng sẽ khó kéo dài tăng lãi suất khi kinh tế Mỹ đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật. Do đó, giá vàng vẫn có xu hướng tăng giá trong dài hạn.
Ông Phillip Streible, Chuyên gia kinh tế trưởng của Tập đoàn Blue Line FuturesStreible, cho rằng giá vàng vẫn tích cực trong dài hạn. Tuy nhiên, áp lực bán tháo đang tiềm ẩn đối với giá vàng ngắn hạn. Nếu giá vàng tuần tới vượt qua vùng 1.825 USD/oz và đóng cửa trên mức này, thì đà tăng giá ngắn hạn sẽ được duy trì, nhưng gia vàng sẽ đối mặt với mức kháng cự mạnh tại 1.850 USD/oz. Ngược lại, nếu giá vàng tuần tới không vượt qua 1.825 USD/oz, thì giá vàng tuần tới sẽ đối mặt với áp lực bán tháo, đẩy giá vàng xuống vùng 1.772- 1.783USD/oz, thậm chí sâu hơn nữa.
Trong tuần tới, FED sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 7, nhưng biên bản này có thể sẽ không tác động nhiều đến giá vàng, vì nội dung của biên bản này có thể sẽ không khác nhiều so với tuyên bố của FED sau cuộc họp. Số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ mà thị trường quan tâm trong tuần tới là doanh số bán lẻ, vì chi tiêu tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Mỹ. Chỉ số này sẽ phần nào cho thấy bức tranh kinh tế Mỹ trong quý 3.