Giá vàng trong nước tăng phi mã nhưng bất ngờ vẫn rẻ hơn một nước ASEAN
Giá vàng trong nước tăng vùn vụt.
Trong chiều 26/9, giá vàng thế giới đã gây sửng sốt khi hai lần lập kỷ lục mọi thời đại và chạm mốc 2.684 USD/ounce lúc 19h.
Với mức giá hiện tại, quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 80,25 triệu đồng/lượng.
Trước diễn biến của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cuối ngày hôm nay cũng tăng vùn vụt, đặc biệt là tại thị trường tự do.
Trong khi các ngân hàng và công ty vàng vẫn niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 83,5 triệu đồng/lượng, bằng với hai ngày trước thì tại thị trường tự do, giá vàng được đẩy lên 86,2 triệu đồng/lượng, cao hơn giá bán vàng tại Công ty SJC và các ngân hàng trong nhóm Big4 đến 2,7 triệu đồng/lượng. Giá mua vào cũng vọt lên mức 85,5 triệu đồng/lượng.
Công ty SJC tăng giá bán vàng nhẫn 9999 lên mức 82,7 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với hôm qua. Giá mua vào tăng 500.000 đồng/lượng, lên mức 81,3 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá bán vàng nhẫn tăng mạnh hơn, lên 83,33 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng so với hôm qua. Giá mua vào cũng tăng tương ứng, lên 82,23 triệu đồng/lượng.
Còn DOJI tăng giá bán vàng nhẫn 9999 lên 83,35 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng so với hôm qua. Giá mua vào tăng lên mức 82,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tại Malaysia chênh nhẹ so với Việt Nam
Theo xu hướng tăng của giá vàng thế giới, giá vàng tại thị trường Malaysia cũng tăng chóng mặt. Khác với Việt Nam, Malaysia dùng hệ gram trong giao dịch mua bán vàng, cụ thể 1 lượng vàng = 37,5 gram hay 1 chỉ vàng = 3,75 gram.
Một nhà bán nổi tiếng tại Malaysia - Public Gold - công bố trên website của họ vào tối 26/9, loại vàng miếng 24K bán ra là 3.864 ringgit/10 gram, tương đương 1 gram là 386,4 ringgit.
Một chỉ vàng, theo cách đo trọng lượng vàng tại Việt Nam, đang có giá 1.449 ringgit và 1 lượng vàng là 14.490 ringgit.
Hiện tại, tỷ giá ringgit cũng đang tăng, tính theo niêm yết của Vietcombank ngày 26/9, 1 ringgit đổi được khoảng 6.021 đồng. Như vậy, 1 lượng vàng tại nhà bán này của Malaysia là 87.244.290 đồng.
Năm 2022, Malaysia xếp thứ tám trên thế giới về nhu cầu vàng cao nhất, tăng 25 phần trăm lên 18,5 tấn so với 14,9 tấn vào năm 2021.
Theo báo cáo từ Forex Suggest , Malaysia đứng sau Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Việt Nam, Iran và Ai Cập trong bảng xếp hạng có liên quan.
Malaysia cũng xếp thứ bảy trong số các quốc gia có nhu cầu về thỏi vàng và tiền vàng cao nhất thế giới.
Malaysia cho phép giao dịch vàng qua ngân hàng
Tại Malaysia, người dân có thể mở tài khoản để giao dịch vàng. Theo đó, loại tài khoản cá nhân không giới hạn độ tuổi của cá nhân đó. Đối với những người dưới 18 tuổi, tài khoản phải được mở với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp làm người ủy thác.
Còn tài khoản phi cá nhân gồm các hình thức chủ tài khoản chung (tối đa 4 người), chủ sở hữu duy nhất, quan hệ đối tác và công ty.
Tài khoản cá nhân được mua tối thiểu 1 gram và bội của 1 gram, tài khoản phi cá nhân sẽ mua tối thiểu 50 gram và tối thiểu 10 gram trong bội của 1 gram.
Giá mua, bán vàng hiện hành được ngân hàng báo giá theo mỗi gram.
Tại CIMB, cũng cho phép giao dịch qua trang web với yêu cầu tương tự Maybank. Và lưu ý các loại phí: Phí dịch vụ hằng năm là 5 ringgit – trong trường hợp số dư vàng trong tài khoản giảm xuống dưới 5 gram tính đến ngày 31 tháng 12. Phí đóng tài khoản là 10 ringgit, nếu đóng trong vòng 6 tháng kể từ ngày mở.
Ngân hàng này lưu ý: “Tài khoản đầu tư vàng không phải sản phẩm được bảo vệ vốn và cũng không phải tài khoản sinh lãi. Lợi nhuận của tài khoản phụ thuộc vào biến động giá vàng, lợi nhuận trên khoản đầu tư vào vàng là không chắc chắn và có rủi ro không được lợi nhuận và/hoặc phát sinh lỗ”.