A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá vàng ngày 4/3: Tăng liên tục trong tuần

Trong tuần, do lo ngại các nền kinh tế gặp rủi ro đã đẩy giá vàng thế giới tăng liên tục. Giá vàng đã tăng một mạch từ 1.810 USD/ounce cuối tuần trước, lên mức giá 1.856 USD/ounce.

Trên thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch ngày cuối tuần, thời điểm lúc 11 giờ trưa nay (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đứng mức 1.856 USD/ounce, tăng 21 USD/ounce so với thời điểm chốt phiên giao dịch ngày trước đó. Nếu so với thời điểm chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng thế giới đã tăng 45 USD/ounce trong tuần. Giá vàng thế giới tại thời điểm này quy đổi tương đương hơn 51,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch cuối tuần tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD vẫn đang suy yếu. Theo đó, rạng sáng nay, chỉ số US Dollar Index tiếp tục giảm về mức gần 104 điểm. Việc đồng USD tiếp tục suy yếu đã tăng sức hấp dẫn của vàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia đã tăng mua một lượng lớn vàng dự trữ cũng là yếu tố tích cực đẩy giá vàng lên cao.

Ngoài ra, sau khi chỉ số PMI tháng 2 của Mỹ được công bố thấp hơn dự báo, chỉ đạt 47,3 điểm, so với mức dự báo 47,8 điểm. Trong khi đó, lạm phát lõi của khu vực Eurozone tháng 2/2023 (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) đã tăng 5,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức 5,3% của tháng 1.

Do đó, thị trường dự báo, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhiều khả năng sẽ mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Điều này sẽ khiến các nền kinh tế lâm vào cảnh khó khăn hơn.

Phản ứng trước thông tin này, giới đầu tư đã chốt lời cổ phiếu và trái phiếu để chuyển hướng sang tích trữ vàng. Đêm qua, theo giờ Việt Nam, có thời điểm lợi túc trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm mạnh 2,3%, về mức 3,93%.

Ông Ole Hansen, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank nhận định, vàng đang cố gắng tìm sự hỗ trợ tốt quanh mức 1.800 USD/ounce và nếu giá vàng vượt mức 1.865 USD/ounce thì sẽ có một số nhu cầu mua mới.

Tại thị trường trong nước, khảo sát lúc 11 giờ trưa ngày 4/3, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết vàng miếng với mức giá 66.200.000 đồng/lượng mua vào và 66.900.000 đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với thời điểm chốt phiên giao dịch hôm qua.

Tại 2 thị trường lớn khác là Hà Nội và Đà Nẵng, Công ty SJC cũng áp dụng mức giá mua vào là 66.200.000 đồng/lượng, nhưng giá bán ra ở hai thị trường này cao hơn tại TP.HCM 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch biên độ mua bán của thương hiệu vàng quốc gia trong phiên giao dịch hôm nay được thu hẹp còn 700.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm, thương hiệu Phú Quý SJC tăng giá vàng miếng lên thêm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, nhưng giữ nguyên mức giá chiều mua vào ở thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 3/3, lên mức giá 66.150.000 đồng/lượng mua vào và 66.850.000 đồng/lượng bán ra.

Trong khi đó, VietinBank Gold không thay đổi giá mua bán vàng miếng so với thời điểm chốt phiên giao dịch ngày hôm qua; giá niêm yết là 66.100.000 đồng/lượng mua vào và 66.820.000 đồng/lượng bán ra.

Tương tự, thương hiệu DOJI Sài Gòn niêm yết vàng miếng với mức giá 66.100.000 đồng/lượng mua vào và 66.800.000 đồng/lượng bán ra, không thay đổi so với giá tại thời điểm chốt phiên giao dịch trước đó.

Cùng chung với đà tăng của vàng miếng SJC, giá vàng trang sức thương hiệu PNJ tại thị trường TP.HCM trong phiên giao dịch hôm nay cũng tăng mạnh lên thêm 350.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 3/3. Hiện giá niêm yết vàng trang sức PNJ tại thị trường TP.HCM là 53.700.000 đồng/lượng mua vào và 54.700.000 đồng/lượng bán ra. Chênh lệch giữa vàng miếng SJC và vàng trang sức hiện là 12.200.000 đồng/lượng.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan