A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh kinh tế số và xã hội số: Vì mục tiêu phát triển bền vững

Một diễn đàn lần đầu được tổ chức với chủ đề kinh tế số và xã hội số tại Nam Định.

Với chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình”, sự kiện hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn trao đổi thường niên của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành về tập trung phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam theo như Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự kiện thu hút hơn 1000 đại biểu cấp cao phụ trách chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đến từ khối Chính phủ, Tài chính – Ngân hàng, Viễn thông, Bán lẻ & Thương mại điện tử,...

Phiên Toàn thể của diễn đàn được đồng chủ trì bởi ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định.

Đẩy mạnh kinh tế số và xã hội số: Vì mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số đã và đang trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế thế giới và mỗi quốc gia. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 của Việt Nam đều đã nhấn mạnh phải đổi mới tư duy và hành động, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đảng, Nhà nước ta cũng rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai tại trung ương và địa phương được thực hiện khá đồng bộ. Quốc hội, Chính phủ đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt chủ trương đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi cho tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói.

Phát biểu chào mừng, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định bày tỏ kỳ vọng: Diễn đàn sẽ là nơi để các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp cùng đóng góp và chia sẻ đường hướng, chính sách, kinh nghiệm thực tiễn và các khuyến nghị để thúc đẩy tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo; sớm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới; nguồn lực và lực lượng sản xuất mới cũng như yếu tố sản xuất mới. Mà, theo ông Hùng: Không gian mới chính là kinh tế số; Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số; Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số; còn động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Đây cũng chính là nội dung các phiên Hội thảo chuyên đề về các vấn đề liên quan như: Phát triển đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số; Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng lan tỏa thúc đẩy kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện; Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được chủ trì bởi lãnh đạo các Ban, Bộ ngành liên quan.

Kết thúc phiên Diễn đàn cấp cao, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã công bố Chương trình hành động của Diễn đàn lần thứ I.

Song song với chương trình Hội thảo, Triển lãm về các ứng dụng công nghệ cho phát triển kinh tế số với sự tham gia của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu hiện nay như Viettel, VNPT, Misa, Mobifone, FPT, Shopee, VNPay,… Các giải pháp nổi bật sẽ được giới thiệu trong triển lãm bao gồm: Thanh toán kỹ thuật số/Ví điện tử; Thanh toán tiếp xúc và không tiếp xúc EMV và non-EMV; NFC (Kết nối trường gần); Hệ thống thanh toán di động; Chữ ký số; Công nghệ chuỗi khối; Thương mại điện tử; Hệ sinh thái số; Blockchain; An toàn thông tin,…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan