A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/3): PNJ, POW và PHR

KBSV cho rằng dự án nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho POW. Theo đó, dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ giai đoạn 2024-2025, đóng góp tích cực vào triển vọng mảng điện khí của POW.

PNJ: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 85.800 đồng/cổ phiếu

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) lần lượt đạt 33,9 nghìn tỷ đồng (tăng 73% so với cùng kỳ) và 1,8 nghìn tỷ đồng (tăng 76% so với cùng kỳ), hoàn thành 131% và 137% kế hoạch hàng năm.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, những thách thức vĩ mô có thể sẽ còn tiếp diễn ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2023, ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, mức chi tiêu cho đồ trang sức có thể không giảm nhiều như các sản phẩm khác, vì việc mua hàng trang sức được coi là cách lưu trữ giá trị nhiều hơn.

Ngoài ra, khách hàng của PNJ chủ yếu là người có thu nhập từ trung bình đến cao, do đó tác động của lạm phát đối với doanh thu trang sức có thể thấp hơn so với thị trường đại chúng vốn nhạy hơn về giá.

PNJ dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng để giành thêm thị phần, đặc biệt là ở các khu vực cấp 3, nơi mà sự hiện diện của thương mại hiện đại còn hạn chế. SSI dự báo PNJ sẽ mở thêm 20 cửa hàng mới trong giai đoạn 2023-2024. Cùng với việc liên tục nâng cấp cửa hàng và bổ sung thêm sản phẩm mới, điều này sẽ giúp doanh thu trang sức của PNJ đạt lần lượt là 28,4 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) và 32,7 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) vào năm 2023 và 2024.

Doanh thu vàng miếng sẽ đạt mức tăng trưởng ổn định 10% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023-2024. Do đó, tổng doanh thu dự kiến lần lượt đạt 38,4 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) và 43,7 nghìn tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ) cho năm 2023 và 2024.

SSI kỳ vọng biên lợi nhuận gộp tổng thể sẽ giảm nhẹ trong giai đoạn 2023-2024 xuống 17,2% (so với 17,5% trong năm 2022), khi công ty tiếp tục mở các cửa hàng mới tại các thành phố cấp 3, nơi người tiêu dùng ưa thích trang sức có hàm lượng vàng cao với biên lợi nhuận thấp hơn.

Trong năm 2023 và 2024, lợi nhuận ròng dự báo lần lượt đạt 2 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ, từ 2,09 nghìn tỷ đồng) và 2,3 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ). Về dài hạn, PNJ có thể phát triển theo hướng giành thị phần từ các nhà bán lẻ không có thương hiệu (hiện chiếm khoảng 40% tổng thị trường), và chi tiêu cho trang sức có thể tiếp tục tăng cùng với thu nhập khả dụng.

Trong tháng 1/2023, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ) và 302 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ), hoàn thành 11% và 15% dự báo cả năm của SSI.

Do số ngày hoạt động ít hơn (các cửa hàng PNJ nghỉ Tết Nguyên đán trong 4 ngày), doanh thu bán lẻ giảm 2% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu bán buôn giảm 33% so với cùng kỳ. Doanh thu vàng miếng tăng 97% so với cùng kỳ, do Ngày Thần tài rơi vào tháng 1 năm nay, trong khi năm ngoái là vào tháng 2.

Mặc dù vàng miếng thường có biên lợi nhuận gộp ở mức một con số, nhưng biên lợi nhuận gộp tổng thể không giảm nhiều (18,5% trong tháng 1/2022 so với 18,2% trong tháng 1/2023) do biên lợi nhuận gộp mảng doanh thu bán lẻ cải thiện.

SSI ước tính biên lợi nhuận gộp mảng doanh thu bán lẻ sẽ tăng 400 điểm cơ bản so với cùng kỳ. SSI kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ sẽ giảm trong các tháng sau do cầu yếu và người tiêu dùng lựa chọn mua trang sức hàm lượng vàng cao trong bối cảnh lạm phát cao.

Tại mức giá 80.200 đồng/cổ phiếu, PNJ đang giao dịch với P/E năm 2023 và 2024 lần lượt là 14 lần và 12,7 lần, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 5 năm là 17,4 lần. SSI đưa ra giá mục tiêu 1 năm mới đối với cổ phiếu PNJ là 85.800 đồng/cổ phiếu từ 88.000 đồng/cổ phiếu (dựa trên P/E mục tiêu không đổi là 15x và các ước tính mới cho năm 2023). Với tiềm năng tăng giá là 7%, SSI duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PNJ.

POW: KBSV khuyến nghị mua với giá mục tiêu 17.300 đồng/cổ phiếu

Doanh thu năm 2022 của Công ty Cổ phần Điện lực dầu khí (HoSE: POW) đạt 28,2 nghìn tỷ đồng (tăng 15%) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.323 tỷ đồng (tăng 14%). Doanh thu tăng trưởng tích cực do sản lượng tích cực của các nhà máy điện khí và thuỷ điện và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng kéo theo giá bán điện cao.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng nhà máy điện Vũng Áng 1 trở lại trong bối cảnh điện than có triển vọng sáng hơn trong năm 2023 El Nino có xác suất cao xuất hiện trong năm 2023 ảnh hưởng đến các nhà máy thuỷ điện. Theo KBSV, điều này mở ra dư địa huy động cho các nhà máy nhiệt điện như Vũng Áng 1.

Theo thông tin từ POW, tổ máy số 1 của nhà máy Vũng Áng 1 sẽ nghiệm thu từ giữa tháng 3/2023 và đi vào vận hành ổn định từ cuối tháng 3/2023. Dựa trên giả định tổ máy số 1 sẽ bắt đầu vận hành ổn định từ cuối quý I/2023, KBSV dự phóng sản lượng của Vũng Áng 1 vào khoảng 5,112 triệu kWh (tăng 54.1% YoY). Bên cạnh đó, KBSV cũng kỳ vọng nhà máy sẽ được nhận khoảng 300 tỷ tiền bồi thường bảo hiểm trong năm tới.

KBSV cho rằng dự án nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho POW. Theo đó, dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ giai đoạn 2024-2025, đóng góp tích cực vào triển vọng mảng điện khí của POW.

Với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, dự án có tổng công suất 1.600MW có thể phát trung bình 9 tỷ kWh/năm. Đầu vào của 2 nhà máy là khí LNG nhập khẩu với mức tiêu thụ là 1,2 triệu tấn/năm. Dự kiến Nhơn Trạch 3 và 4 khi vận hành sẽ giúp nâng tổng công suất phát điện của POW lên 36%, tương đương 5.705MW.

KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của POW sẽ lần lượt đạt 32.020 tỷ đồng (tăng 13,4%) và 3.269 tỷ đồng (tăng 40,7%). Giá dầu Brent trung bình năm 2023 dự kiến đạt 85 USD/thùng, dẫn tới giá khí đầu vào trung bình đạt 9,16 USD/MMBTU (giảm 2%). Giá CGM trung bình năm dự kiến đạt 1.500 đồng/kWh.

Dựa trên định giá SOTP và EV/EBITDA, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu POW. Giá mục tiêu là 17.300 đồng/cổ phiếu.

PHR: MASVN khuyến nghị mua với giá mục tiêu 50.700 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 lần lượt đạt 1.711 tỷ (giảm 12,2%) và 886,9 tỷ (tăng 86%), cao hơn 5% so với dự phóng của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) nhờ việc doanh thu mảng khu công nghiệp cao hơn 20% so với dự phóng.

Dự phóng cho năm 2023-2024, về mảng cao su, giá bán thương phẩm dự kiến giảm 11% trong năm 2023. Theo đó, năm 2022 trong bối cảnh lạm phát cao cũng như Trung Quốc tiếp tục đóng cửa, giá bán cao su trung bình sụt giảm mạnh về mức 1.450 USD/tấn (giảm 14,7%).

Từ tháng 11/2022, sau khi Trung Quốc thông báo thông tin mở cửa lại nền kinh tế, giá cao su đã phục hồi từ đáy 1.117 USD/tấn lên mức 1.350 USD/tấn trong tháng 2/2023. Tuy nhiên, theo dự báo của ANPRAC, nguồn cung cao su năm 2023 có thể cao hơn nhu cầu từ 2-3%, do đó MASVN dự phóng giá cao su trung bình 2023-2024 dao động quanh mức 1.130 – 1.140 USD/tấn (giảm 10,3%).

MASVN dự phóng sản lượng thương phẩm cao su năm 2023 và 2024 của PHR lần lượt đạt 35.931 tấn (tăng 1,5%) và 37.652 tấn (tăng 5%). Với kịch bản giá cao su năm 2022 và 2023 lần lượt đạt 37,8 triệu đồng/tấn (giảm 11%) và 38,9 triệu đồng/tấn (tăng 3%), doanh thu dự phóng cho mảng cao su và chế biến gỗ ở mức 1.583 tỷ đồng (tăng 6,9%) trong năm 2023 và 1.677 tỷ (tăng 7,7%) trong năm 2024.

Về mảng khu công nghiệp, MASVN dự phóng cổ tức/lợi nhuận được chia năm 2023 của PHR chủ yếu từ VSIP 3. Trong năm 2022, doanh thu ghi nhận mảng cho thuê khu công nghiệp đạt 239,9 tỷ (giảm 5%). Với quỹ đất cho thuê còn lại lại ở khu công nghiệp Tân Bình 1 dưới 10ha, MASVN dự phóng doanh thu mảng cho thuê khu công nghiệp chỉ đạt 211 tỷ (giảm 15%) trong năm 2023.

Đến hết năm 2022, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) dù đã hoàn tất đền bù cho PHR nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. MASVN ước tính năm 2023, PHR chỉ nhận được 60 tỷ cổ tức từ Nam Tân Uyên.

Theo MASVN, nguồn cổ tức chính của PHR nhận trong năm 2023 chủ yếu đến từ khu công nghiệp VSIP 3, bao gồm 261 tỷ đền bù chưa thanh toán và 160 tỷ cổ tức từ khu công nghiệp VSIP 3.

MASVN dự phóng doanh thu năm 2023 và 2024 lần lượt đạt 1.775 tỷ (tăng 3,9%) và 1.708 tỷ (giảm 3,9%). Dự phóng lợi nhuận ròng trừ cổ đông thiểu số tương ứng năm 2023 và 2024 của PHR lần lượt đạt 659 tỷ (giảm 28,9%) và 827 tỷ đồng (tăng 25,4%).

MASVN định giá giá trị mỗi cổ phiếu PHR đạt 50.700 đồng, PE năm 2023 và 2024 lần lượt là 10,4 lần và 8,3 lần, tỷ suất cổ tức năm 2024 theo thị giá hiện tại ở ổn định trên 7,5%/năm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan