Cần thêm giải pháp bình ổn giá xăng dầu
Theo chuyên gia, ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý có thể tính phương án giảm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bởi diễn biến địa chính trị khiến giá mặt hàng này khó đoán định.
Giá xăng chưa thể bình ổn...
Giá xăng dầu đã tiếp tục thiết lập kỳ điều chỉnh tăng lần thứ 6 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay, do tác động của diễn biến giá thế giới tăng, là mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014. Việc giá xăng dầu trong nước tăng mạnh trong kỳ điều hành ngày 11/3 đã được dự báo từ trước đó khi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, có thời điểm lên tới trên 130 USD/thùng.
Giá xăng dầu đã tiếp tục thiết lập kỳ điều chỉnh tăng lần thứ 6 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay (ảnh minh hoạ)
Theo đại diện một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội, giá xăng dầu tăng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi phí vận hành của doanh nghiệp. Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 còn quá phức tạp, nên lượng khách đi lại vẫn hạn chế, mà việc tăng giá vé là không thể. Hiện tại doanh nghiệp đang phải chờ đợi và nghe ngóng, nếu giá xăng dầu liên tục biến động, thì rất khó đề xuất tăng giá, vì muốn tăng giá cước vận chuyển, doanh nghiệp phải gửi công văn đến chi cục thuế nơi đăng ký kinh doanh, Sở Giao thông vận tải, Tổng cục Thuế, Bộ Tài Chính… “Sau khi những đơn vị này thẩm định giá xong và có văn bản trả lời thì doanh nghiệp mới có thể ra quyết định tăng giá vé. Do vậy, nếu tăng giá vào thời điểm này sẽ mất thời gian cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp”.
Có thể thấy, ảnh hưởng của giá xăng dầu đến toàn bộ nền kinh tế là rất rõ nét, từ việc gây áp lực chi phí vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đến các công ty dịch vụ vận tải. Không chỉ vậy, người dân cũng bị thâm hụt túi tiền trong bối cảnh chi tiêu eo hẹp vì tác động của dịch bệnh.
Một chuyên gia băn khoăn, điện, xăng dầu…theo luật là thuộc hàng bình ổn giá - Ổn định giá cả là khi "những người nội trợ bình thường không còn bàn tán và lo lắng về lạm phát nữa". Nhưng khi giá xăng tiếp tục tăng cao mà vẫn mang chức năng "bình ổn giá" thì không hợp lý.
“Đồng ý là xăng dầu là so với giá quốc tế, không phải so trên thu nhập, nhưng các công ty xăng dầu quốc doanh cũng đang hưởng lợi nhờ giá tăng. Giá xăng tăng chóng mặt khiến giá cả leo thang, nhiều người lao động phải tiết kiệm, xoay xở đủ cách mới lo đủ chi tiêu cho gia đình.
Điều tiết và bình ổn là trong những lúc như hiện nay, doanh nghiệp phải giữ cho mức giá phù hợp với thu nhập, không phải so với giá quốc tế. Như vậy, doanh nghiệp độc quyền nhà nước mới là làm đúng chức năng điều tiết của mình”, vị chuyên gia phân tích.
Cần thêm nhiều giải pháp
Trao đổi với báo chí, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hải Phòng nhận định, giá xăng dầu tăng do thời điểm hiện tại đang căng thẳng giữa Nga và Ukraine chỉ là tức thời, không thể kéo dài mãi được. Nhưng điều nguy hiểm là nếu chúng ta không sử dụng Quỹ bình ổn và giảm thuế nhập khẩu, để giá xăng dầu tăng cao, khi đã tăng cao sẽ kéo theo các mặt hàng sẽ tăng theo. Do đó, Chính phủ nên xem xét để giữ giá xăng dầu ở mức thấp nhất có thể vì bản thân các doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn do tình hình dịch bệnh.
Trong bối cảnh hiện nay rất cần có những kịch bản cụ thể khi giá dầu thế giới lên 150 USD, 200 USD một thùng, thậm chí cao hơn
“Giá xăng dầu tăng mạnh nhưng việc điều chỉnh giá cước đối với doanh nghiệp là không hề dễ dàng. Trong khi tình trạng hoạt động vận tải hành khách chưa có dấu hiệu hồi phục khi người dân vẫn còn e ngại về dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách hoạt động cầm chừng suốt nhiều tháng qua đang đối diện với việc phải dừng hoạt động...”, ông Hải trăn trở.
Mới đây, tại buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã nhấn mạnh, giá dầu thô hiện đang ở mức cao, xu thế toàn cầu đang nỗ lực chuyển đổi, giảm nhanh các nguồn năng lượng hoá thạch để ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Do đó, giá trị của các nguồn năng lượng hoá thạch nếu không được phát huy ở thời điểm hiện tại sẽ vĩnh viễn mất đi trong tương lai.
PVN không chỉ là doanh nghiệp nhà nước, kinh doanh vì lợi nhuận đơn thuần, mà là Tập đoàn kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế và bảo vệ tổ quốc. Yêu cầu thực tiễn hiện nay đòi hỏi các Bộ, ngành phải đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, theo hướng phân cấp, phân quyền, hỗ trợ PVN khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thăm dò, khai thác, gắn với tăng cường chế biến dầu khí, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Để ứng phó với giá xăng dầu leo thang, ông Ngô Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý có thể tính thêm các phương án giảm chính sách thuế khác, như thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bởi diễn biến địa chính trị khiến giá mặt hàng này khó đoán định.
"Xăng dầu tăng giá sẽ tác động rất lớn tới các ngành sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ, nhất là vận tải khi loại nhiên liệu này chiếm 35-40% chi phí của doanh nghiệp vận tải. Cơ quan quản lý cần có kịch bản tính toán mức giá phù hợp sức chống chịu của nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp", ông nói.
Các chuyên gia cũng đồng quan điểm, trong bối cảnh hiện nay rất cần có những kịch bản cụ thể khi giá dầu thế giới lên 150 USD, 200 USD một thùng, thậm chí cao hơn. Tương ứng với đó là những tính toán tác động tới lạm phát, sức chống chịu của từng nhóm đối tượng cụ thể như người dân, doanh nghiệp,... và các mức độ hỗ trợ từng nhóm này ra sao. Như vậy, phản ứng chính sách với diễn biến giá sẽ linh hoạt, hiệu quả hơn.