“Kích hoạt” động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn
Tại Diễn đàn “Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 22/4, đánh giá cụ thể về thực trạng chuyển đổi xanh và KTTH của doanh nghiệp Việt Nam, tham luận của TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và chiến lược (Ban Chính sách chiến lược Trung ương) nhận định: Giai đoạn gần đây đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của chuyển đổi xanh – KTTH, đặc biệt tại doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc hoạt động trong các lĩnh vực chịu áp lực môi trường lớn như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm.
Đại diện doanh nghiệp trình bày mô hình kinh tế tuần hoàn nông nghiệp hữu cơ - năng lượng xanh trong một Hội thảo được tổ chức mới đây.
Dấu ấn chuyển đổi xanh
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đã tích cực thực hiện chuyển đổi xanh – KTTH, trách nhiệm đối với môi trường, xã hội và quản trị (ESG), cụ thể như Vingroup trong phát triển hệ sinh thái xe điện, Vinamilk, TH True Milk, Masan trong công bố lộ trình giảm phát thải, đầu tư vào năng lượng tái tạo… với lộ trình cụ thể là giảm 15% khí nhà kính vào năm 2027, giảm 55% khí nhà kính vào năm 2035 và đạt NET ZERO vào năm 2050. Đặc biệt, Vinamilk đã và đang tập trung vào 4 khía cạnh: Chăn nuôi bền vững - Sản xuất xanh - Logistics thân thiện với môi trường - Tiêu dùng bền vững.
Ngoài ra, một số lĩnh vực cũng đã đã có sự dịch chuyển tích cực sang KTTH. Chẳng hạn như ngành dệt may, dưới áp lực từ khách hàng quốc tế, vấn đề chuyển đổi xanh ngày càng được quan tâm hơn. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn, sử dụng sợi tái chế, năng lượng mặt trời và blockchain để truy xuất nguồn gốc xanh…
Tháo gỡ nút thắt về chính sách và quy định
Mặc dù vậy, trong tham luận tại Hội thảo của TS. Trần Thị Hồng Minh, cũng như trong Báo cáo “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2024” do nhóm chuyên gia kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân công bố mới đây, đều thống nhất chung nhận định, một trong những rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV gặp phải khi triển khai chuyển đổi xanh và KTTH đó là khó khăn về tài chính khi chi phí đầu tư ban đầu cao.
Bởi lẽ, các công nghệ phục vụ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải tuần hoàn tiên tiến hoặc triển khai năng lượng tái tạo đều đòi hỏi mức chi phí đầu tư lớn so với năng lực tài chính thông thường của doanh nghiệp. Nhiều khoản đầu tư không chỉ nằm ở thiết bị, công nghệ, mà còn bao gồm chi phí tái cấu trúc quy trình sản xuất, đào tạo nhân lực, chuyển đổi hệ thống quản lý và vận hành.
“Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn về tài chính trong quá trình xanh hóa. Sự thiếu hụt thông tin rõ ràng về chi phí – lợi ích dài hạn của các giải pháp xanh cũng khiến doanh nghiệp khó tính toán hiệu quả đầu tư, dẫn đến tâm lý e ngại khi phải quyết định thay đổi mô hình hiện tại vốn đã ổn định theo lối truyền thống”, TS. Trần Thị Hồng Minh nhận định.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến hàng loạt khó khăn khác như việc tiếp cận vốn xanh và ưu đãi tín dụng, hay thời gian hoàn vốn dài. Theo đó, khác với đầu tư thông thường vào thiết bị hoặc mở rộng sản xuất có thể mang lại lợi nhuận nhanh chóng, các dự án chuyển đổi xanh – KTTH như xử lý khí thải, tái chế nước, sử dụng năng lượng tái tạo, hoặc số hóa vận hành để giảm phát thải...thường có chu kỳ hoàn vốn kéo dài từ 5–10 năm. Trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp với dòng tiền eo hẹp, thì việc phân bổ một phần ngân sách lớn vào các dự án “lợi ích lâu dài” là điều không dễ dàng. Bên cạnh đó, các giải pháp KTTH thường đi kèm với chi phí vận hành và bảo trì phức tạp hơn, yêu cầu kỹ năng kỹ thuật cao hơn, từ đó càng gia tăng rủi ro tài chính trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt hơn là hiện nay nút thắt về chính sách và quy định cũng đang là rào cản lớn đối với chuyển đổi xanh – KTTH. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cam kết quốc tế về môi trường, tuy nhiên khung pháp lý cụ thể để điều chỉnh hành vi chuyển đổi xanh - KTTH tại doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ và rõ ràng. Việc thiếu các tiêu chuẩn định lượng cụ thể như tiêu chí doanh nghiệp xanh, tiêu chuẩn báo cáo ESG bắt buộc... khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc xác định mục tiêu và cách thức triển khai.
Chưa kể, việc thiếu hướng dẫn cụ thể và đồng nhất giữa các bộ ngành và sự phối hợp với các địa phương, từ việc triển khai các dự án liên quan đến xử lý chất thải hay mô hình KTTH hiện nay vẫn gặp nhiều vướng mắc do sự chồng chéo về chức năng quản lý giữa các bộ, ngành. Sự thiếu nhất quán trong quy trình và hướng dẫn thực hiện khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục hành chính, gia tăng chi phí tuân thủ và làm giảm động lực đầu tư.
Khuyến nghị cụ thể một số giải pháp để "kích hoạt" và thúc đẩy hơn nữa phát triển chuyển đổi xanh và KTTH, nhóm chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức và kiến thức về các mô hình chuyển đổi xanh - KTTH và khả năng ứng dụng cho doanh nghiệp thông qua việc tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, tập huấn phổ biến kiến thức, pháp luật về KTTH cho các doanh nghiệp, lồng ghép các nội dung giáo dục về KTTH vào chương trình đào tạo về kinh tế và kinh doanh nhằm xây dựng đội ngũ quản lý doanh nghiệp có nhiều hiểu biết và khả năng áp dụng KTTH.
Đặc biệt cần hỗ trợ công nghệ và đổi mới trong ứng dụng các mô hình KTTH cho khối doanh nghiệp thông qua việc xây dựng cơ chế khuyến khích đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp Việt Nam; xây dựng và phát triển các chương trình chuyên giao công nghệ từ các doanh nghiệp lớn và khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chuyển đổi xanh, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm dần nhu cầu khai thác và sử dụng các “dòng vật chất”.
Về dài hạn, cần tiến tới xây dựng được cơ chế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hợp tác và kết nối nhằm phát triển các mô hình KTTH. Cụ thể là xây dựng – vận hành các nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu lớn (bigdata) về áp dụng mô hình KTTH. Mặt khác, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp tuần hoàn nhằm phát triển các mạng lưới “cộng sinh” công nghiệp; thiết kế lộ trình xây dựng và áp dụng các quy định pháp lý về yêu cầu bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế dựa trên nền tảng hợp tác liên ngành, đa ngành./.