"Con đường" tăng trưởng xanh
Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Cái khó nhất là hiện nay nhiều doanh nghiệp lâu năm có sử dụng một số công nghệ lạc hậu, không chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là lĩnh vực ngành nghề chế biến thức ăn, thực phẩm, khai khoáng... Những doanh nghiệp ra đời sau thì có thể lựa chọn công nghệ tân tiến nhưng vốn lại là bài toán đặt ra cho việc đầu tư ban đầu của doanh nghiệp.
Không phải cứ nhiều tiền là có tăng trưởng xanh
Tôi cho rằng, việc thu hút tư nhân tham gia các hoạt động hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ kép. Tăng trưởng xanh, có thể thấy nói thì dễ và làm thì khó. Vì nó không phải chỉ câu chuyện nguồn lực, không phải cứ nhiều tiền là có thể tăng trưởng xanh, mà do người đứng đầu lập chiến lược. Do đó, vấn đề không nằm ở việc doanh nghiệp nhỏ hay vừa mà nằm ở hướng đi. Còn những doanh nghiệp đã phát triển trước đó, sau này mới tái cơ cấu để phát triển xanh thì nguồn vốn cũng là một vấn đề với những doanh nghiệp nhỏ.
Do đó, họ cần hỗ trợ từ nhà nước, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ phát triển xanh. Bên cạnh đó, các cấp quản lý cần phải có sự thống nhất quan điểm xây dựng, hoàn thiện một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách theo hướng vừa bắt buộc, vừa khuyến khích doanh nghiệp tư nhân vì tăng trưởng và gắn liền với thực thi trách nhiệm xã hội với môi trường.
Chúng ta muốn đạt được chỉ tiêu tăng trưởng xanh thì chúng ta phải làm từng lĩnh vực và không chỉ cấp Bộ, cấp TW mà còn xuống tới địa phương, doanh nghiệp và người dân, hướng dẫn và truyền thông hỗ trợ đưa công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Như vậy, ý, tưởng, mục tiêu, chỉ tiêu và định hướng của Đảng thì rất đúng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa từ mục tiêu thì cần nỗ lực rất lớn của cả một hệ thống chính trị xã hội, các cơ quan nhà nước, các ban ngành, doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc.
Điều kiện cần và đủ
Điều kiện cần của phát triển xanh thì tôi nghĩ chúng ta phải bám vào Chiến lược kinh tế của cả nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045. Chúng ta cần cơ cấu lại và cần có những bước cụ thể trong việc cụ thể hóa mục tiêu đạt được trong chiến lược tổng thể. Điều kiện đủ là các vấn đề về chính sách vừa mang tính bao hàm nhưng cũng cần cụ thể để doanh nghiệp và người dân thực hiện. Chiến lược phải đưa được vào đời sống thực chứ không dừng ở việc đưa ra các chỉ tiêu, thông số chung chung. Và đằng sau các chiến lược phát triển không có sự tham gia hướng dẫn của các bộ, ban ngành liên quan thì khó có thể đạt được kết quả.
Ví dụ, ngay việc ô nhiễm trong sản xuất nông – công nghiệp, thì việc sản xuất sẽ có nhiều bộ ngành tham gia như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên& Môi trường và Bộ Kế hoach & Đầu tư. Thế nhưng, nếu các Bộ không chung tay cùng giải quyết hoặc thiếu cơ chế kiểm soát thì khó có thể đạt được mục tiêu chung.
Hướng tới lớn nhất là chúng ta phát triển nhanh và bền vững. Kỳ vọng là chúng ta phải đạt được GDP 7%/ năm. Vì chiến lược xanh phải nằm trong chiến lược tổng thể, chiến lược tổng thể đưa ra là đến năm 2030 chúng ta sẽ trở thành nước trung bình có thu nhập trung bình cao, GDP đạt khoảng 7500 USD/ người/ năm. Hiện nay chúng ta mới dừng ở mức 3.300 USD/người/năm, nên sau 10 năm tới chúng ta hướng tới thu nhập bình quân đầu người phải tăng gấp đôi.
Đó chính là mục tiêu phát triển nhanh. Tuy nhiên, nhanh phải bền vững, mà bền vững cần phát triển xanh, do đó những ngành thân thiện môi trường phải đặc biệt khuyến khích như năng lượng tái tạo là một ví dụ chậm cho phát triển xanh. Còn ngành công nghiệp ít tiêu tốn về năng lượng phải được khuyến khích, đặc biệt khuyến khích công nghệ số... Điều này sẽ tạo nên năng suất lao động lớn và vừa thân thiện với môi trường nên cần được khuyến khích.
Trong quá trình tái cơ cấu thì việc chúng ta dựa vào các thế mạnh của từng địa phương để xây dựng các đô thị đầu tầu để tạo nên kinh tế vùng và liên vùng. Đó chính là chiến lược, kế hoạch được vạch ra từ kế hoạch phát triển kinh tế, kế hoạch tái cơ cấu và kế hoạch phát triển năm 2022. Phần còn lại là bộ ban ngành phải phân khúc được nguồn lực và cách thức thực hiện như thế nào. Không còn độ trễ như trước đây, từ nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ... rồi đến hướng dẫn của các bộ ban ngành rất đồng bộ, nhanh chóng và kịp thời nhằm tạo sự thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động hỗ trợ thực tế đi vào đời sống.
Tôi cho rằng, với cách thức làm như hiện nay thì các mục tiêu đề ra đều có khả thi cao dù không đơn giản. Bởi phát triển nhanh đã khó, mà phát triển nhanh bền vững trong bối cảnh dịch bệnh thì còn khó hơn gấp nhiều lần. Nhưng tôi tin tưởng và các chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước, và Chiến lược phát triển xanh bền vững của chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được.