Ổn định nền nếp học sinh ngay từ ngày đầu năm học mới
Tổ chức các hoạt động vui tươi, gắn kết tại lớp học, rèn học sinh vào nề nếp đầu năm… là việc nhiều nhà trường thực hiện ngay sau lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025.
Tạo không khí học tập hăng say
Không để học sinh phải chờ đợi lâu trong thời tiết nắng nóng, ngay sau khi kết thúc lễ khai giảng ngắn gọn mà không kém phần trang trọng, cô và trò trường Tiểu học Văn Yên, quận Hà Đông, Hà Nội đã khởi động năm học mới.
Cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh, trường tổ chức ăn bán trú ngay ngày đầu tiên của năm học mới. Cũng trong ngày đầu năm, trường chưa tổ chức dạy học theo chương trình mà học sinh và giáo viên sẽ tham gia các hoạt động có ý nghĩa, gắn kết tại lớp học, phổ biến nội quy, rèn nề nếp cho các con”.
Cô trò lớp 2A8 trường Tiểu học Văn Yên trong ngày khai giảng năm học mới |
Nhà trường cũng hướng dẫn học sinh ghi nhớ địa chỉ nhà, số điện thoại của người thân và nhắc nhở các em không đi theo người lạ, tránh bị bắt nạt hoặc đi lạc. Việc này giúp các em biết cách tự ứng phó trong trường hợp bố, mẹ đón muộn hoặc khi tự di chuyển từ trường về nhà.
Thực hiện quán triệt chung của ban giám hiệu, từ nhiều ngày nay, cô Nguyễn Thị Thanh Bình - giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8 đã gửi thông báo về các vật dụng, đồ dùng học tập phụ huynh cần chuẩn bị cho con trước thềm năm học mới.
Ngay sau khai giảng, cô giáo đã phổ biến nội quy cho học sinh, kiểm tra, rà soát sách vở, đồ dùng học tập của của các con để kịp thời thông báo đến phụ huynh bổ sung nếu thiếu.
Cô Bình chia sẻ: “Sau khoảng thời gian nghỉ hè, chắc chắn bước vào năm học mới, các con sẽ có nhiều bỡ ngỡ, chưa quen với nề nếp học tập. Vì vậy, khoảng thời gian này là cần thiết để các con khởi động, bắt nhịp với thời khoá biểu”.
Học sinh lớp 1 háo hức trong lễ khai giảng đầu đời |
Những năm gần đây, lễ khai giảng được quán triệt tổ chức ngắn gọn, lấy học sinh làm trung tâm trong khoảng thời gian không quá 60 phút. Tuy ngắn gọn nhưng không có nghĩa là sơ sài, các cô giáo trường Tiểu học Văn Khê đã dày công chuẩn bị cho lễ khai giảng và đón học sinh đầu cấp từ tháng 8 với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, khí thế cho thầy và trò bước vào năm học mới.
“Trong năm học 2024 - 2025, giống như các trường trong toàn quốc, thầy và trò trường Tiểu học Văn Khê ra sức thi đua học tập, rèn luyện để đạt được nhiều thành tích hướng tới kỷ niệm những ngày lễ lớn của ngành giáo dục Thủ đô và đất nước”, cô Trần Thị Quyên - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Khê cho biết.
Năm học này, trường có 1.665 học sinh trong đó có 327 học sinh lớp 1. Trước thềm năm học mới, nhà trường đã rà soát cơ sở vật chất trong và ngoài lớp học, hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị chu đáo sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh.
“Hôm nay, ngay sau lễ khai giảng, các em sẽ về lớp tham gia các hoạt động tại lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. Trong ngày đầu tiên, nhà trường quán triệt chưa tổ chức dạy học theo chương trình sách giáo khoa mà sẽ là các hoạt động giáo dục kỹ năng, kết nối để thầy - trò, bạn bè thêm gắn bó, gần gũi với nhau hơn”, cô Quyên chia sẻ thêm.
Nâng cao chất lượng dạy và học
Không chỉ các trường học ở quận Hà Đông, không khí hân hoan ngày khai trường cũng đang rộn ràng ở hơn 2.900 trường học của Thủ đô Hà Nội. Với gần 2,3 triệu học sinh, 13.000 cán bộ, giáo viên, ngành giáo dục Hà Nội bước vào năm học mới với khí thế mới, hứa hẹn nhiều thàh tích kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, 70 năm ngành Giáo dục Hà Nội.
Ngành Giáo dục Thủ đô bước vào năm học mới với nhiều kỳ vọng mới |
Để chào mừng những ngày lễ trọng đại của Thủ đô và đất nước, nhân dịp này, nhiều trường học được xây mới, gắn biển công trình và đưa vào sử dụng.
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 5, 9 và 12 học sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, 100% giáo viên dạy lớp 5, lớp 9 và lớp 12 của Hà Nội đã được tập huấn sử dụng sách mới theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà, đây cũng là năm đầu tiên các nhà trường thực hiện quyền lựa chọn sách giáo khoa (trước đó việc lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh thành lập hội đồng quyết định). Nhà trường đã tổ chức lựa chọn sách đúng quy định với tinh thần nghiêm túc, minh bạch, nêu cao ý thức trách nhiệm của giáo viên - đội ngũ trực tiếp “vận hành” sách mới.
Cũng như nhiều địa phương, Hà Nội đang đối diện với khó khăn về việc thiếu giáo viên, nhất là ở các môn học mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như tiếng Anh, tin học (cấp tiểu học), lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên (cấp trung học cơ sở); âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm (cấp trung học phổ thông). Toàn thành phố có gần 133.000 cán bộ, giáo viên, so với định mức quy định thì còn thiếu khoảng 16.000 giáo viên.
Đón năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội và các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai kế hoạch tuyển dụng hơn 2.600 chỉ tiêu giáo viên được bổ sung theo Quyết định số 2362-QĐ/BTCTƯ của Ban Tổ chức Trung ương về biên chế của thành phố Hà Nội năm 2024. Các đơn vị đang triển khai lộ trình tuyển dụng với cùng quyết tâm hoàn thành trong học kỳ 1.
Bên cạnh công tác tuyển dụng, Sở GD&ĐT Hà Nội xác định, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
“Sở cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên đến từng nhà trường, từng giáo viên; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán các bộ môn và giáo viên chủ nhiệm lớp. Đồng thời, ngành Giáo dục chú trọng việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đào tạo học sinh thành những “công dân toàn cầu”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh.