Điện ảnh Việt Nam chật vật với phim chuyển thể
Làm những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm sách, truyện nổi tiếng là một hướng đi tiềm năng của điện ảnh Việt Nam, nhưng bên cạnh thuận lợi, nhà làm phim đang chịu nhiều thách thức rất lớn từ những phản ứng của dư luận.
Các tác phẩm văn học kinh điển như “Lão Hạc” của Nam Cao hay Truyện Kiều của Nguyễn Du... cho đến những tập sách bán chạy như: Mắt biếc, Kính vạn hoa, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh... đang là tài nguyên được nhiều đạo diễn khai thác.
Rõ ràng việc làm phim lấy cảm hứng từ những tác phẩm này dễ dàng tạo được sức hút với khán giả, làm tăng độ nhận dạng thương hiệu các dự án phim ảnh sắp ra mắt. Tuy nhiên, dòng phim lấy cảm hứng này lại bấp bênh, không phải bao giờ cũng thành công về mặt doanh thu.
Phim Việt lấy cảm hứng từ các tác phẩm nổi tiếng bấp bênh ngoài phòng vé
Bộ phim “Kính vạn hoa” của Võ Thanh Hòa chiếu rạp từ 23.12.2024 đến 13.1.2025 chỉ còn 33 suất chiếu trên tất cả rạp toàn quốc, tổng doanh thu được 5,92 tỉ đồng.
Đây có thể xem là tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhất vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025. “Kính vạn hoa” là bộ phim dành cho tuổi thiếu niên được chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trước đó, phim từng có bản truyền hình rất ăn khách. Tuy nhiên, khi đưa tác phẩm này lên màn ảnh rộng, dự án lại không thể đạt được thành công như mong đợi.
Gần nhất bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” được chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã ra rạp vào giai đoạn cuối năm 2024 nhưng chưa có được sức hút như kỳ vọng. Phim chỉ thu về 45 tỉ đồng.
Không chỉ có các dự án phim chuyển thể từ các tập sách, truyện nổi tiếng mà những tác phẩm kinh điển khi được chuyển thể thành phim cũng không có cái kết khá hơn. Trong đó, phim Kiều của đạo diễn Phi Tiến Sơn lấy cảm hứng từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, do Mai Thu Huyền chịu trách nhiệm sản xuất, đã ra mắt vào tháng 11.2020 nhân kỷ niệm 200 năm Ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du và rời rạp chỉ với doanh thu vài tỉ đồng.
Phim Cậu Vàng được chuyển thể từ truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao là dự án điện ảnh đặc biệt - khi lần đầu một chú chó đảm nhận vai chính trong phim Việt được ra mắt vào năm 2021 cũng lỗ nặng với doanh thu vài tỉ đồng.
Trong bối cảnh phim Việt hiện tại đang khan hiếm kịch bản hay, việc lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học, sách truyện nổi tiếng để làm phim được xem là hướng đi không tồi của nhà làm phim Việt.
Tuy vậy, việc chuyển thể nếu không cẩn thận sẽ rất dễ gặp phản ứng. Còn nhớ tác phẩm “Cậu Vàng” lấy cảm hứng từ truyện Lão Hạc của nhà văn Nam Cao bị khán giả phản ứng dữ dội bởi hình tượng Cậu Vàng nghèo khổ, đói khát đã ăn sâu trong lòng khán giả trong khi đoàn làm phim lại chọn chú chó Shiba có ngoại hình mập mạp và không thuần Việt đóng vai Cậu Vàng...
Tuy nhiên, vẫn có những phim chuyển thể thành công như “Mắt biếc” khi đem về doanh thu 180 tỉ đồng và là phim điện ảnh đại diện Việt Nam được gửi đi dự sơ tuyển cho hạng mục Phim ngoại ngữ hay nhất tại Giải Oscar lần thứ 93. “Đất rừng phương Nam” do Nguyễn Quang Dũng cầm trịch cũng là phim lấy cảm hứng từ các tác phẩm kinh điển có doanh thu thuộc hàng tốt nhất với 140 tỉ đồng.
Cần thay đổi tư duy làm phim
Trong bối cảnh điện ảnh Việt vẫn còn hạn chế về nhiều mặt như kịch bản yếu, kinh phí làm phim chưa cao, đặc biệt là với các bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, sách, truyện... thì việc các đạo diễn như Võ Thanh Hòa, Trịnh Đình Lê Minh táo bạo để chuyển thể một tác phẩm nổi tiếng đã thổi vào đó một làn gió mới mẻ hơn góp phần nhằm đa dạng nội dung phim chiếu rạp ở thị trường.
Tuy nhiên, dòng phim chuyển thể không phải dễ dàng bởi các dòng phim chuyển thể rất dễ bị khán giả so sánh với tác phẩm gốc. Thậm chí, với những bộ phim đã có bản truyền hình như Đất rừng phương Nam, Kính vạn hoa... càng khiến sự so sánh của khán giả lớn hơn.
Yếu tố lớn nhất khiến tác phẩm thành công hay thất bại đó chính là sự cải biên của ê-kíp làm phim. Nhiều đoàn làm phim vì muốn tạo ra các tình tiết mới cho các tác phẩm chuyển thể đã thêm thắt nhiều câu chuyện dẫn đến phản tác dụng, tạo ra những tranh cãi trái chiều.
Thất bại phòng vé của “Kính vạn hoa” hay “Ngày xưa có một chuyện tình” thời gian qua cũng là bài học cho các đoàn phim nếu muốn theo đuổi các tác phẩm chuyển thể. Đó là việc không ngừng tiếp tục tìm kiếm những cách tiếp cận, học hỏi và thăm dò ý kiến khán giả.
Thực tế, thị trường điện ảnh nào cũng phải có những nhà làm phim dám nghĩ, dám làm và táo bạo với hướng đi của mình.