A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vinasun: “Chưa né được sói dữ thì đã gặp Ông Ba Mươi”.

Thương hiệu Vinasun Taxi chính thức ra mắt ngày 27/01/2003 với chỉ 10 đầu xe. Ngày 17/07/2003 công ty chủ sở hữu chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với tên CTCP Ánh Dương Việt Nam.

Tháng 10/2007, Công ty phát hành thêm 70 tỷ đồng mệnh giá cho các nhà đầu tư chiến lược để nâng vốn lên 170 tỷ. Tham gia vào đợt phát hành có những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp lớn như quỹ đầu tư Temasek thuộc Chính phủ Singapore, Tập đoàn Nguyễn Kim,…

Năm 2009, số lượng xe taxi lên tới 3,000 chiếc với 6,000 tài xế, Vinasun (VNS) trở thành hãng taxi lớn nhất cả nước, đây cũng là năm đầu Vinasun đạt doanh thu trên 1,000 tỷ đồng (1,068 tỷ đồng) và lợi nhuận trên 100 tỷ đồng (107 tỷ đồng).

Tuy nhiên đây cũng là năm Vinasun gặp sự cố đầu tiên. Một số lái xe không đồng ý với cách tính ăn chia mới đã tổ chức đình công. Một sự kiện xã hội khá lớn tại TPHCM thời điểm ấy. Tuy nhiên Vinasun đã tìm hiểu nguyện vọng của tài xế cuộc đình công và xử lý trong êm đẹp.

Liên tiếp các năm sau đó, VNS không ngừng phát triển mở rộng, tập trung vào khu vực miền Nam và các trung tâm du lịch từ miền Trung đổ vào như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hoà…

Năm 2015, số đầu xe lên tới trên dưới 6,000 chiếc, lợi nhuận đạt đỉnh với 328 tỷ. Tuy nhiên chính trong thời điểm cực thịnh này, một mô hình mới với các đối thủ rất lớn đã xuất hiện, bẻ gãy đường cong lợi nhuận đang tăng trưởng tốt cũng như đánh dấu tạm dừng con đường vươn lên mạnh mẽ của Vinasun. 

Năm 2014, hai hãng gọi xe công nghệ Uber và Grab đặt chân tới Việt Nam. Với mô hình công nghệ hiện đại hơn, minh bạch hơn, nguồn vốn ngoại khổng lồ cùng triết lý đổi tiền lấy thị phần, các mức chiết khấu hấp dẫn cho khách hàng và tài xế. Từ năm 2016 mô hình gọi xe này phát triển mạnh mẽ, và các hãng xe taxi truyền thống bộc lộ sự yếu thế ngay lập tức. Giai đoạn 2016 - 2019, lợi nhuận của Vinasun liên tục sụt giảm. Đến 2019 lợi nhuận của VNS trở về còn 108 tỷ đồng, tương đương mức của 10 năm trước (107 tỷ đồng vào năm 2009).

Những tưởng với một nguồn lực ít hơn, một công nghệ kém thích hợp với thời thế hơn, thế bại của Vinasun và taxi truyền thống đã hai năm rõ mười. Thế nhưng không, bằng sự kiên trì học cái hay từ chính đối thủ, tạo ra thị trường ngách sang trọng hơn, Vinasun vẫn quyết chiến đến cùng, với đối thủ chính được xác định là các hãng công nghệ mới.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, Vinasun quyết định khởi kiện Grab lên tòa án. Vụ kiện đã kéo dài trong suốt những năm 2017-2020 và kết thúc với chiến thắng của Vinasun. Sự kiện này đã mở ra một số tranh luận, quan điểm và nhận định lớn về vấn đề cạnh tranh trên thị trường, đồng thời cũng thúc đẩy việc ban hành văn bản luật đáp ứng xu hướng phát triển công nghệ thời kỳ mới.

Tuy nhiên, cuộc chiến giữa Vinasun và Grab cũng là một trải nghiệm đầy sóng gió. Vinasun đã phải đối mặt với rất nhiều áp lực và căng thẳng trong suốt quá trình kiện cáo, nhưng họ đã vượt qua được khó khăn và chứng minh được mình là một hãng taxi uy tín, chuyên nghiệp.

Vừa thắng kiện Grab, Vinasun lại đối mặt với một thách thức vô cùng lớn khác, đó là sự bùng phát của đại dịch COVID. Hệ quả là lần đầu tiên, Vinasun chịu thua lỗ hai năm liền, 2020 lỗ 207 tỷ đồng và 2021 lỗ 273 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2022, hãng taxi này bứt phá ngoạn mục khi lãi 183 tỷ đồng với cả 4 quý đều có lợi nhuận. Thời điểm này, thị trường có lẽ đã phục hồi hoàn toàn, con hổ sau giấc ngủ khá dài sẽ trở lại với thế cuộc đã thuận lợi hơn xưa, lấp loé cửa thắng, cửa hoà trong cuộc chơi thoạt nhìn toàn thấy cửa bại.

Nhưng sóng gió đến với Vinasun có thể chưa dừng lại.

Bởi thị trường taxi bất ngờ có sự gia nhập của một đối thủ mới với tiềm lực lớn mạnh. Đó là việc Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng công bố thành lập CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (Green and Smart Mobility – GSM), cho thuê phương tiện giao thông xanh và taxi đa nền tảng. Sở hữu quy mô đầu tư 10,000 ô tô và 100,000 xe máy, hoạt động với hai mảng chính là taxi điện và cho thuê ô tô - xe máy điện, GSM đi vào hoạt động ngay trong tháng 4 tại Hà Nội.

Vinasun đã rất xuất sắc có thể 'ngược dòng' sống chung với mô hình Grab, thậm chí 2022 họ đã có lợi nhuận dương khá lớn nhờ một số lợi thế như vẫn chiếm được thiện cảm nhất định của người sử dụng; việc khôn ngoan xoáy vào thị trường ngách, xây dựng mô hình taxi với hình ảnh cao cấp, là một lợi thế mà Grab không tận dụng tốt. Ngoài ra, nguồn lực của Grab không phải là vô tận, họ đã bị sức ép tìm điểm hoà vốn và lợi nhuận. Việc phân phối cước theo công thức không khéo léo có những lúc làm giá Grab mắc gấp rưỡi gấp đôi giá taxi cùng một tuyến đường. Điều này đánh mất cái cảm giác rẻ ban đầu của Grap.

Tuy nhiên nếu phải đối đầu với GSM những lợi thế Vinasun từng có sẽ có thể trở thành yếu điểm. Cụ thể, GSM được thừa hưởng thương hiệu một cách tự nhiên từ ông Phạm Nhật Vượng, từ Vingroup, những thương hiệu mang tính cao cấp thực sự và có tính bảo chứng rất lớn.      

Cùng mô hình tài xế, tài xế của GSM có thể có thu nhập cao hơn của Vinasun và các hãng taxi khác. Các hãng taxi sẽ khó tránh khỏi cảnh chảy máu nhân sự khi GSM hoạt động.

Thêm nữa, với khá nhiều dòng xe, GSM đủ động lực và thực lực để xây dựng những thị trường ngách khác nhau.

Với những lợi thế khủng từ hệ sinh thái, nguồn vốn đến khả năng… chịu lỗ có thể trường kỳ của GSM, Vinasun có thể gặp đối thủ mạnh nhất kể từ sau đại dịch COVID-19. Vinasun đúng là vẫn “chưa né được sói dữ thì đã gặp Ông Ba Mươi”.

Phần 2: Cục diện nào sẽ xảy ra với ngành taxi? 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan