A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển vọng sáng của doanh nghiệp xăng dầu

Giá xăng, dầu phục hồi từ cuối tháng 6 đến nay được kỳ vọng hỗ trợ tích cực cho biên lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong quý III.

 

Doanh thu lao dốc, lợi nhuận phân hóa nửa đầu năm

Trong nửa đầu năm, chịu ảnh hưởng của việc Fed và các ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất khi kinh tế suy thoái, giá dầu thô giảm mạnh về vùng 69 USD/thùng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này đã khiến doanh thu của hầu hết doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu lao dốc so với nền cao cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận có sự phân hóa.

Triển vọng sáng của doanh nghiệp xăng dầu - Ảnh 1.

Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) công bố doanh thu quý II giảm 36% xuống 33.669 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm 87% xuống 1.339 tỷ đồng. SSI Research cho biết sản lượng trong quý II duy trì ở mức cao trên 1,8 triệu tấn, đi ngang so với cùng kỳ năm trước và tăng 15% so với quý I. Công suất hoạt động của nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn vượt 8% công suất thiết kế. Song, giá dầu thô giảm kèm và crack spread (chênh lệch giữa giá dầu thô và thành phẩm) thu hẹp khiến doanh thu cùng lợi nhuận lao dốc.

PV Oil (UPCoM: OIL) thông tin sản lượng tiêu thụ quý II tăng 26% nhưng giá dầu Brent DTD trung bình 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 79,8 USD/thùng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu công ty giảm 27% xuống 22.321 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 56% xuống 179 tỷ đồng.

Tương tự, đại gia xăng dầu Petrolimex (HoSE: PLX) chiếm khoảng 50% thị phần nội địa với 5.500 cửa hàng cũng ghi nhận doanh thu quý II giảm 22% xuống 65.752 tỷ đồng. Tuy nhiên, tập đoàn chuyển từ lỗ 196 tỷ đồng thành lãi 774 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải hoạt động kinh doanh xăng dầu ổn định trong quý II đạt lợi nhuận tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới không chịu tác động bất thường như khi xảy ra cuộc xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine vào tháng 2. Trong nước, nguồn cung xăng dầu tư các nhà máy lọc dầu trong nước khá ổn định, các thương nhân thực hiện nhập mua xăng dầu theo đúng kế hoạch và đảm bảo hiệu quả.

Cùng kỳ năm trước một trong nguyên nhân Petrolimex báo lỗ là do vai trò đảm bảo an ninh năng lượng, tại những thời điểm khó khăn nguồn hàng và trong chu kỳ giá thế giới tăng cao, tập đoàn đã phải tăng nhập khẩu để bù đắp cho thiếu hụt từ nguồn cung ứng trong nước (nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm ứng hoạt động do vấn đề tài chính).

Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HoSE: PSH) và Thalexim (UPCoM: TLP) ghi nhận giảm doanh thu quý II lần lượt 64% và 32%. Song, trong khi PSH chuyển lỗ thành lãi thì Thalexim lãi giảm 88%.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu của đa phần đều giảm, riêng PSH tăng nhẹ 9%. Xét về lợi nhuận, BSR, PV Oil và Thalexim giảm từ 30 – 80% lợi nhuận, Petrolimex gấp 6,5 lần và PSH chuyển lỗ thành lãi 266 tỷ đồng.

Triển vọng sáng của doanh nghiệp xăng dầu - Ảnh 2.

So với kế hoạch năm, các doanh nghiệp xăng dầu đều đạt kỳ vọng. Trong đó, do đặt kế hoạch kinh doanh giảm đáng kể so với 2022 nên BSR đã vượt 128% kế hoạch lợi nhuận năm sau nửa chặng đường, PV Oil thực hiện 90%. Petrolimex hoàn thành 58% và PSH đạt 75% kế hoạch lợi nhuận năm. Riêng Thalexim mới đạt 15% mục tiêu lợi nhuận.

Giá xăng tăng trở lại củng cố biên lợi nhuận

Sau khi giảm xuống vùng 70 USD/thùng vào cuối tháng 6 thì giá dầu Brent đã bật tăng trở lại lên 85 USD/thùng. Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới đang chịu tác động của các yếu tố như lo ngại xoay quanh hoạt động kinh tế yếu của Trung Quốc, sự tăng giá của đồng USD, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm, Trung Quốc sử dụng dầu tự trữ để ngăn chặn việc OPEC+ cắt giảm nguồn nhằm đẩy giá dầu đi lên.

Trước diễn biến đi lên của thế giới, giá xăng, dầu trong nước cũng được điều chỉnh tăng. Trong kỳ điều ngày ngày 21/8, giá xăng RON 95-V ở mức 25.030 đồng/lít, tăng 9,3% so với cuối tháng 6. Dầu hỏa 2 – K tăng 24,2% lên 22.300 đồng/lít.

Giá xăng, dầu tăng trở lại sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng được lượng hàng tồn kho giá thấp vào cuối tháng 6. Tại cuối quý II, Petrolimex ghi nhận hàng tồn kho đạt 15.366 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỷ so với đầu năm; BSR cũng giảm 2.700 tỷ đồng xuống 14.106 tỷ đồng. Ngược lại, giá trị hàng tồn kho PSH tăng nhẹ lên 5.163 tỷ đồng và PV Oil tăng từ 2.941 tỷ đồng lên 3.752 tỷ đồng.

VCBS cho rằng nửa cuối năm cả Petrolimex và PV Oil sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc nguồn cung xăng dầu trong nước ổn định. Cả hai đã có nguồn cung nhập khẩu dự phòng trong trường hợp nguồn cung của nhà máy Nghi Sơn bị gián đoạn và lấy thêm được thị phần khi các thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối/cửa hàng xăng dầu bị tước giấy phép hoạt động trong năm 2022. Nhu cầu phục hồi sẽ giúp 2 ông lớn phân phối xăng dầu duy trì thị phần cao tương đương năm trước.

Ngoài ra, Petrolimex đã thoái xong vốn tại PGB, kỳ vọng được hạch toán vào quý III (lợi nhuận ước tính 685 tỷ đồng). Tập đoàn còn có kế hoạch thoái vốn tại Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex với giá trị sổ sách 403 tỷ đồng trong năm nay.

Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá giá dầu đi lên sẽ giúp Lọc hóa dầu Bình Sơn cải thiện lợi nhuận của trong nửa cuối năm. Crack spread một số sản phẩm như dầu diesel, xăng A92 hay xăng A95 thị trường Singapore ghi nhận phục hồi trở lại kể từ tháng 7.

Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu có xu hướng tăng dần về cuối năm. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thông báo dừng hoạt động từ 25/8 để bảo dưỡng và BSR lên kế hoạch hoãn lịch bảo dưỡng sang đầu năm sau, đảm bảo cung xăng dầu trong nước. BSC đánh giá những yếu tố này cho thấy hoạt động sản xuất của BSR có thể được đảm bảo và sản lượng đạt mức tương đương năm trước (khoảng 7 triệu tấn).

Nhìn lại, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu đều có kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý III/2022 (giai đoạn giá dầu lao dốc từ vùng 120 USD/thùng về 85 USD/thùng), thậm chí PV Oil lỗ 319 tỷ đồng. Với diễn biến thuận lợi của giá dầu từ tháng 6 đến nay thì có thể kỳ vọng kết quả tích cực trong quý III năm nay khi so sánh cùng kỳ.


Tác giả: Theo Mỹ Hà
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan