A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước ước đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch giao cho công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt được nhiều kết quả; trong đó, tổng doanh thu ước đạt 1.123.334 tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021); tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 39.219 tỷ đồng (bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021). 

Ngày 15/12/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tập đoàn, tổng công ty trực thuộc năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; bất ổn địa chính trị, xung đột Nga - Ukraina; tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ nhiều nước tiếp tục thắt chặt, giá dầu biến động và diễn biến đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban đã nắm bắt, phát hiện những khó khăn vướng mắc, tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp để đề xuất giải pháp khắc phục hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp xử lý phù hợp. 

Đồng thời, Ủy ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty tích cực vượt qua khó khăn, thích ứng linh hoạt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tình hình thế giới, chủ động xây dựng nhiều phương án, kịch bản gắn với giải pháp cụ thể phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Với sự nỗ lực, phấn đấu, đổi mới tư duy và quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, hoạt động của các doanh nghiệp năm 2022 về cơ bản duy trì ổn định và đạt được một số kết quả tích cực.

Cụ thể, về sản xuất, kinh doanh, đa số các tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. 

Trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động, thể hiện vai trò chủ đạo bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, không để đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu trước những biến động thị trường xăng dầu thời gian qua; bảo đảm nhu cầu về điện cho sinh hoạt của nhân dân và sản xuất, kinh doanh; tăng sản lượng khai thác dầu thô, than đá cho nhu cầu của nền kinh tế và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; 

Trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất hóa chất, thép, phân bón: các doanh nghiệp đã tăng cao giá trị sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa cho nền kinh tế về hóa chất cơ bản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ắc quy, thép,...;

Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, các doanh nghiệp đã đã có nhiều tiến bộ trong hoạt động kinh doanh lương thực, trồng, chế biến và sản xuất cao su, cà phê, sản xuất lúa chất lượng cao, góp phần phát triển ngành nông nghiệp, tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho người lao động; 

Trong lĩnh vực quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hàng không, đường sắt, hàng hải, các doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn để bảo đảm nhu cầu về giao thông, vận tải cho đời sống của nhân dân; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

Trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, các doanh nghiệp đã giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm nhu cầu thông tin liên lạc và tiên phong trong chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch giao cho công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt nhiều kết quả; trong đó, tổng doanh thu ước đạt 1.123.334 tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021); tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 39.219 tỷ đồng (bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021). 

Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

Một số tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả tích cực, vượt mức kế hoạch tại nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh so với những năm trước (PVN, Petrolimex, Vinachem, TKV, VEC...).

Về đầu tư phát triển, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, các tập đoàn, tổng công ty đã được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, sát với kế hoạch vốn đầu tư được giao. 

Nhiều tập đoàn, tổng công ty góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và dự án quan trọng về năng lượng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các dự án trọng điểm.

Điển hình như: Dự án nhà máy điện Sông Hậu 1 đi vào vận hành thương mại từ ngày 13/5/2022 và ngày 16/7/2022 chính thức khánh thành; Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã hòa lưới điện ngày 16/6/2022, vận hành thương mại Tổ máy số 1 vào ngày 30/11/2022, Tổ máy số 2 đã đốt lửa lần đầu vào ngày 27/8/2022 và dự kiến COD vào 31/12/2022; đã hoàn thành đánh giá các nội dung chính của dự án Nghiên cứu mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và báo cáo Chính phủ tại văn bản số 3223/DKVN-CNK&LH ngày 15/6/2022; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị đã khởi công 96 công trình lưới điện và đóng điện 44 công trình lưới điện,... 

Cùng với đó, các dự án trọng điểm trong lĩnh vực hàng không như: Triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, Dự án thành phần 3 - Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Phú Bài, tái khởi động Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành,… đảm bảo tiến độ được cấp thẩm quyền phê duyệt. 

Báo cáo của Ủy ban cho biết, sau 4 năm chuyển về Ủy ban quản lý, có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban phê duyệt/triển khai thực hiện/hoàn thành đầu tư. 

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư; trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan